Nợ xấu của ABBank tăng chót vót
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 90 tỷ đồng so với tự lập trước đó, tương đương thấp hơn 16%.
Nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi này là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 25,2 tỷ đồng trước kiểm toán lên gần 114,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng vẫn chưa đưa ra giải trình về thay đổi này.
Đây là ngân hàng duy nhất tăng trưởng tín dụng âm trong nửa đầu năm 2019. Đồng thời là ngân hàng báo giảm lợi nhuận sau kiểm toán chênh lệch lớn nhất so với báo cáo tự lập. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng thêm 9%, lên con số 290 tỷ đồng. Cộng thêm chi phí thuế đội 356%, lên mức 114 tỷ đồng.
Theo BCTC soát xét, đến cuối tháng 6/2019 cho vay khách hàng ở mức 49.564 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với đầu năm. Trong khi đó, kế hoạch đầu năm của ngân hàng là dư nợ tăng 17%.
Chia theo cơ cấu dư nợ, sự sụt giảm chủ yếu đến từ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) giảm 6%, nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% và 7%.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng nợ xấu của ABBank hơn 1.128 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,27%, tăng so với tỷ lệ 1,89% cuối năm 2018.
Đối với tiền gửi khách hàng cũng giảm 4%, trong khi mục tiêu đặt ra là huy động từ khách hàng tăng 58% trong 2019.
Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2019 sau soát xét. Ảnh minh họa
ABBank có vốn điều lệ 5.319 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn của ABBank gồm Malayan Banking Berhad nắm giữ 20% vốn, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) của đại gia Vũ Văn Tiền sở hữu 12,9%, Công ty tài chính quốc tế (IFC) nắm 10%, còn lại các cổ đông khác.
Các ngân hàng liệu có đang mua trái phiếu chéo của nhau?
Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán SSI (SSI), 8 tháng đầu năm, các ngân hàng phát hành hơn 56.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm một nửa tổng giá trị phát hành của thị trường.
Thị trường trái phiếu đang ngày càng sôi động hơn so với các năm trước. Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN, thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 với nhiều điểm mới đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN.
Ngoài ra, các chính sách từ NHNN như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay BĐS… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.
Được biết, ngân hàng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất (99,6%), ngoại trừ Seabank có 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6/2019 không bán hết, tất cả 10 NHTM còn lại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán. Điều này cho thấy trái phiếu ngân hàng đang được thị trường đón nhận.
Theo ước tính của SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng lượng chào bán trái phiếu là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.
Theo SSI, 40% trái phiếu ngân hàng phát hành (khoảng 22.900 tỷ đồng) được các công ty chứng khoán mua vào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định người nắm giữ cuối cùng thực chất là ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính.
Một chuyên gia chứng khoán lâu năm nhận định, các công ty chứng khoán chỉ là "bình phong" đứng ra mua hộ các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác. Các quy định đối với ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu (mua trực tiếp từ tổ chức phát hành) rất phức tạp, do liên quan đến thẩm định tín dụng.
Trong khi đó, khi ngân hàng mua lại trái phiếu từ một tổ chức khác (thông qua trung gian), giao dịch này được xem là nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trên thị trường, không phải trải qua nhiều bước thẩm định tín dụng.
Chính vì vậy, khi ngân hàng thương mại mua trái phiếu lẫn nhau, họ không mua trực tiếp khi phát hành lần đầu, mà thực hiện thông qua trung gian thường là công ty chứng khoán. Sau khi công ty chứng khoán mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp, vào ngày hôm sau, ngân hàng sẽ mua lại từ công ty chứng khoán.
Ông Trần Nhật Nam, một chuyên gia tài chính, người từng có kinh nghiệm tại các công ty chứng khoán khẳng định với VnExpress, công ty chứng khoán không bao giờ "ôm" trái phiếu ngân hàng. Chi phí vốn của họ luôn cao hơn mức lãi suất 6-7% của trái phiếu ngân hàng. Vì vậy mua trái phiếu ngân hàng để đầu tư không phải lựa chọn.
Phải chăng các NHTM đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của NHNN?
Trước thềm cổ phần hóa, Agribank giãi bày khó khăn
Mới đây, Agribank vừa công bố một số kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2019. Theo đó, tính đến ngày 31/7/2019, ngân hàng đạt 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trước thềm cổ phần hóa.
Dù mong muốn diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi nhà băng này đang có vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được, nhất là khi Agribank là ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất.
Hơn nữa, số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Vì vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.
Bên cạnh đó, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ, trong đó một trong những vấn đề nan giải nhất đó là “bài toán” tăng vốn. Từng là một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo. Đối với Agribank lại là áp lực khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh (70-80 nghìn tỷ đồng mỗi năm).
Tuy là lĩnh vực đầu tư chính của Agribank nhưng lại thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao.
Năm 2020, theo danh sách Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt, ngân hàng này phải thực hiện xong. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn sẽ đúng hẹn.
Thị trường chứng khoán 2019 đang nối dài khó khăn, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng suy giảm mạnh. Nếu IPO và cổ phần hóa trong bối cảnh đó có thể hạn chế về giá trị chào bán và thặng dư thu về. Nhưng đây không phải nguyên do chính. Khó khăn và trở ngại lớn nhất nằm tại chính Agribank: quyền quản lý sử dụng gần 3 triệu m2 đất.
Ngân hàng 31 năm tuổi này có một quá trình phát triển lâu dài, phủ khắp các tỉnh thành cả nước, và đó là một quá trình hình thành và phát triển quỹ đất, quyền sử dụng.
Tính đến cuối 2018, tại đây có tới 938 chi nhánh, 1.294 phòng giao dịch. Cứ mỗi điểm gắn với một thửa đất, thuộc sở hữu hoặc có quyền sử dụng và đa dạng đến phức tạp trong xác định giá trị.
Hà Phương (t/h)