Nợ xấu cần phải minh bạch hơn

Nhiều đại biểu đồng tình với những khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, họ không đồng ý với việc thiếu minh bạch trong xử lý nợ xấu.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã từng bước được giảm bớt.

“Tuy nhiên qua đó cũng cho thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình tái cơ cấu, trong đó, nguy cơ cao nhất dễ xảy ra là tình hình xử lý nợ xấu, nếu không xử lý tốt thì nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống là không tránh khỏi”, đại biểu nhận xét.

Nợ xấu: có thể minh bạch được không?

Nhiều đại biểu đồng tình với những khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, họ không đồng ý với việc thiếu minh bạch trong xử lý nợ xấu.

Đại biểu Thân Đức Nam thẳng thắn: “Tôi chưa đồng thuận cao với đánh giá về khó khăn trong xử lý nợ xấu, theo tôi báo cáo đánh giá cần đầy đủ và minh bạch hơn, những khó khăn được nêu trong báo cáo còn chung chung, chưa đưa ra cụ thể khó khăn đó nằm ở đâu? Từ khâu nào?...”

Chẳng hạn như trong báo cáo nêu: "...thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu" , theo đại biểu Nam, nếu dùng tài chính công để xử lý nợ xấu thì nguồn đó lấy từ đâu? Có được đưa vào dự toán thu chi ngân sách trước đó hay không? Nếu có đưa thì sao không sử dụng được?... hay như việc lành mạnh hoá hệ thống tổ chức tín dụng, như vậy thế nào là lành mạnh hoá?

Đại biểu Nam còn nhận xét việc sắp xếp những NHTM yếu kém như vừa qua vẫn chưa giải quyết được thực trạng nên nợ xấu vẫn còn.

“Liệu trong một năm tới, Ngân hàng Nhà nước có giải quyết được vấn đề này không?”, đại biểu Nam đặt câu hỏi.

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cũng cho rằng việc xử lý nợ xấu không đơn thuần là mua vào, bán ra hay đẩy nợ xấu qua vấn đề khác, mà phải làm sao những tài sản hình thành từ vốn vay đem lại hiệu quả gì cho xã hội.

Theo đại biểu Quỳnh, trong chương trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia và chưa đủ hấp dẫn cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

“Trong thời gian qua, chúng ta hình sự hoá một số vấn đề xử lý nhiều vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tôi đồng tình rất cao, tuy nhiên đây cũng là hai mặt của một vấn đề. Cái được thì chúng ta thấy hiển nhiên, nhưng ngược lại cái mất cũng không nhỏ, đó là làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, co cụm trong kinh doanh, hạn chế sự mạo hiểm, chấp nhận rủi ro và động lực sáng tạo của các doanh nghiệp và TCTD”, đại biểu Quỳnh phân tích.

Cần xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém

Vấn đề xử lý những ngân hàng yếu kém, tái cơ cấu và sở hữu chéo cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Nam, hệ thống NHTM ta còn nhiều vấn đề đặt ra, phải giải quyết để hướng tới sự phát triển bền vững nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như mong muốn.

Cụ thể là việc từ ngân hàng nông nghiệp chuyển thành NHTM trong những năm trước đây quá dễ dàng, hoạt động gắn với các doanh nghiệp bất động sản, nhiều NHTM là công cụ huy động vốn cho các ông chủ kinh doanh bất động sản.

“Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu. Đa số các NHTM yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã tập trung sắp xếp trong 3 năm qua đều thuộc loại này. Việc sắp xếp những NHTM yếu kém như vừa qua vẫn chưa giải quyết được thực trạng nên nợ xấu vẫn còn. Liệu trong một năm tới, Ngân hàng Nhà nước có giải quyết được vấn đề này không?”, đại biểu Nam đặt câu hỏi.

Đại biểu Nam còn nhận xét: “Dường như chúng ta chưa mạnh dạn để giải quyết vấn đề mà vẫn còn tâm lý trông đợi vào thị trường bất động sản nóng lại. Đây là hiệu quả làm cho nền kinh tế tắc nghẽn về vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn, ngân hàng thừa tiền nhưng nền kinh tế thiếu vốn”.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực để cổ phần hóa các NHTM quốc doanh đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng 2 trong 4 ngân hàng cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% vốn điều lệ nên không có tác động trên thị trường vốn.

Do vậy, theo đại biểu Nam, nếu Nhà nước muốn nắm giữ chi phối thì chỉ cần 65% là đủ.

Hiện nay, ngoài 5 NHTM quốc doanh là AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và MHB, còn có 2 ngân hàng mang tính chất phát triển là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng phát triển Việt Nam.

“Với số lượng NHTM quốc doanh như trên cần xác định mục tiêu tồn tại của hai ngân hàng là gì? Bởi chức năng vai trò của ngân hàng mang tính chất phát triển trong tương lai như thế nào cũng chưa rõ”, đại biểu Nam yêu cầu.

Đánh giá về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua còn lúng túng, chưa có kết quả, thậm chí có xu hướng diễn biến phức tạp. Giải pháp đưa ra xử lý sở hữu chéo nhiều nhưng hiệu quả vẫn thấp.

“Vấn đề quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, yếu kém, tính công khai, minh bạch của TCTD trong việc công bố chính xác tỷ lệ nợ xấu chưa được thực hiện tốt”, đại biểu Tính bình luận.

Theo đại biểu Tính, để đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu cần vượt qua những trở ngại, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tăng cường tính công khai minh bạch trong quá trình thực hiện.

“Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian quan chủ yếu tái cơ cấu tài chính chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu quản trị và hoạt động”, đại biểu nhấn mạnh.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.

“Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội nhận xét.

Đặc biệt, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các NHTM lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém.

“Thực tế trong 15 năm qua, nước ta đã thực hiện ba lần tái cơ cấu chỉ ra hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc cấp phép thành lập các ngân hàng mới và chuyển đổi loại hình. Sự phát triển nhanh về số lượng các NHTM, chuyển đổi các NHTM cổ phần nông thôn lên NHTM cổ phần đô thị chưa thực sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng (vốn chủ sở hữu, trình độ, chuẩn mực và công nghệ quản trị), tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động ngân hàng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bình luận.

Trước những tồn tại trên, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội kiến nghị phải “xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ”.

Theo BizLIVE

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục