Sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào tháng 8/2017, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo. Trong đó, BIDV, Sacombank,VietinBank,... đều là những ngân hàng có nợ nhóm 5 đứng đầu hệ thống cũng đang rất tích cực công bố thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.
Đặc biệt, BIDV là 1 trong 4 NHTM có vốn nhà nước quy mô lớn trong hệ thống NH Việt Nam. Song NH này lại sở hữu khối nợ xấu (nợ nhóm 5) lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2019.
Cụ thể, BIDV có 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng, tương đương 0,98% tổng dư nợ. Trong tháng 9, các chi nhánh của BIDV đã phát đi khoảng 30 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo.
Chỉ tính riêng nửa tháng 10, các chi nhánh của BIDV cũng đã phát đi 29 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo, thông báo thu giữ tài sản, thông báo phát mại tài sản thế chấp,...gồm bất động sản, thiết bị khai thác thủy sản,...Đáng chú ý có nhiều tài sản phải rao bán nhiều lần.
Nợ có khả năng mất vốn tại các ngân hàng. Nguồn: Fiinpro, BCTC ngân hàng.
Mới đây nhất, BIDV vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Hàm Rồng. Theo đó, giá trị khoản nợ Công ty TNHH MTV Hàm Rồng (tính đến ngày 31/08/2019) là 232 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 80 tỷ đồng, còn lại 152 tỷ đồng là dư nợ lãi và phí phạt.
Giá khởi điểm bán đấu giá khoản nợ là 232 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 31/08/2019). Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 88/10 Kp Đông Nhì, Thị Trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương.
Công ty TNHH MTV Hàm Rồng có tên cũ Công ty CP Hàm Rồng, trụ sở đặt tại 109B đường Nguyễn Ái Quốc, Phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai. Công ty chính thức hoạt động từ 24/12/2004. Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Phong.
Trước đó, tháng 6/2019 BIDV Bắc Sài Gòn cũng có thông báo về việc bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Hàm Rồng. Theo đó, giá trị khoản nợ khoảng hơn 116 tỷ đồng. Trong đó, số tiền gốc là 92 tỷ đồng và số tiền lãi là hơn 24 tỷ đồng.
Đồng thời, BIDV cũng vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án xây dựng hệ thống nhà kho chứa, dây chuyền chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm 130 tỷ đồng.
Khu đất có diện tích 61.000 m2 được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh với thời hạn đến 20/7/2061. Công trình trên đất gồm nhà làm việc, nhà xưởng, hệ thống sấy lúa…
Gần đây, ngân hàng này đấu giá 27 căn hộ tại The Era Town tại 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM. Giá khởi điểm cho từng căn hộ dao động 2,18 - 5,54 tỷ đồng. Tổng giá trị tính theo mức khởi điểm gần 90 tỷ đồng.
BIDV cũng công bố đấu giá khoản nợ của CTCP Đầu tư & thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) với tổng giá trị hơn 84 tỷ đồng gồm gần 40 tỷ đồng nợ gốc và 44 tỷ đồng nợ lãi. Tài sản thế chấp cho khoản vay là dự án tòa nhà Dầu khí.
Thực tế, với 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5 nằm trên báo cáo tài chính, BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Nợ nhóm 5 càng lớn, trích lập dự phòng rủi ro càng nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng giảm lợi nhuận của NH.
Do đó, BIDV là NH có lượng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất trong số các NHTM đã công bố báo tài chính 6 tháng. Ngoài ra, BIDV cũng đứng đầu về tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận thuần với mức 69%.
Tiếp đến, VietinBank là NH đứng thứ 2 về giá trị nợ có khả năng mất vốn với 7.521 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ. Đây cũng là NH liên tục công bố thanh lý tài sản đảm bảo.
Tính từ đầu năm, VietinBank đã có hơn 70 thông báo thu hồi, bán và xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó có nhiều tài sản phải rao bán nhiều lần.
Đáng chú ý, cả BIDV và Vietinbank đều đang "chạy đua" với Basle 2 trong khi thời hạn còn chưa đầy 3 tháng. Hơn nữa, nhiều nhà băng có cùng quy mô hoặc nhỏ hơn cũng đã nhanh chóng về đích trước hai "ông lớn" này.
Hà Phương