Nợ nhóm 3, nhóm 4 ngân hàng đang có xu hướng giảm

Tính đến hết quý 3/2022, nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 lại tăng khá mạnh.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 mới đây của WiGroup, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao so với cùng kỳ thấp điểm, tăng 53% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với những quý trước đó thì lợi nhuận toàn ngành đã có xu hướng tạo đỉnh từ quý 1/2022.

Cũng theo WiGroup, mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng quý thứ 4 liên tiếp và đạt mức 1,6% toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết quý 3/2022 nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch. Sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến các khoản nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã tăng mạnh hơn 30.000 tỷ (tăng 70%) so với đầu năm.

Diễn biến này dường như đã nằm trong “kịch bản” của các ngân hàng nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao trước đó (150% trong quý 1/2022) giúp giảm đi áp lực trích lập dự phòng nếu nợ xấu tiếp tục gia tăng. Tính đến cuối quý 3, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm xuống còn 141%.

Nợ nhóm 3, nhóm 4 ngân hàng đang có xu hướng giảm - Ảnh 1

Nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 có xu hướng giảm

Theo thống kê của người viết từ các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy, hầu hết ngân hàng đều có xu hướng nợ xấu tăng mạnh sau 9 tháng đầu năm. Đặc biệt, trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh so với đầu năm thì nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đang có xu hướng giảm.

Theo đó, tính đến hết quý 3/2022, nợ nhóm 3 tại một số ngân hàng giảm so với đầu năm  như Vietinbank giảm tới 57%;  VIB giảm 32%; SHB giảm 25%; Saigonbank giảm 74%; TPbank giảm 22%;… Tương tự, nợ nhóm 4 cũng giảm tại nhiều ngân hàng như: VietBank giảm 28%; Eximbank giảm 34%; LienVietPostBank giảm 24%;…

Điển hình một số ngân hàng cả hai nhóm nợ 3 và nợ 4 đều giảm nhưng nợ nhóm 5 lại tăng mạnh.

Chẳng hạn tại ngân hàng ACB, tính đến hết quý 3/2022, nợ nhóm 3 ghi nhận 305 tỷ đồng, giảm tới 43% so với đầu năm và nợ nhóm 4 còn 561 tỷ đồng, giảm 36%. Trong khi đó nợ nhóm 5 tăng tới 131%, ghi nhận 3.190 tỷ đồng.

Tương tự tại VietBank, trong khi nợ nhóm 3 và nhóm 4 giảm lần lượt 34%, 28% so với đầu năm thì nợ nhóm 5 lại tăng tới hơn 99%.

Ngân hàng PGBank nợ nhóm 3 và nhóm 4 cũng giảm lần lượt 34% và 18% thì nợ nhóm 5 lại tăng 35% so với đầu năm. Ngoài ra, nợ nhóm 3 và nhóm 4 tại ABBank cũng giảm lần lượt 17%, 2% so với đầu năm nhưng nợ nhóm 5 lại tăng 40%.

Mặc dù vậy, tính đến hết quý 3/2022, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại tăng khá mạnh so với đầu năm, một phần nguyên nhân là Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối quý 2/2022. Đây là nhóm nợ có xu hướng sẽ trở thành nợ xấu trong điều kiện không thanh toán được đúng hạn các khoản vay.

Đến thời điểm hiện tại, khi mà lãi suất huy động ngày một gia tăng, dẫn đến lãi suất cho vay dần tăng theo, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán đối với các khoản vay của khách hàng.

Điển hình tại ngân hàng MB, tính đến hết quý 3/2022, nợ cần chú ý tăng từ 3.913 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 6.955 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 3.000 tỷ đồng, tăng tới 78% so với đầu năm. Tại ngân hàng MSB, nợ cần chú ý cũng bất ngờ tăng tới 80% so với đầu năm, lên hơn 2.085 tỷ đồng.

Thậm chí tại ngân hàng OCB, nợ cần chú ý cao gấp 2 lần so với đầu năm, từ 2.336 tỷ đồng lên hơn 4.983 tỷ đồng.

Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng OCB tính đến 30/9/2022 (nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022)
Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng OCB tính đến 30/9/2022 (nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022)

Ngoài ra, nợ cần chú ý còn tăng khá mạnh tại nhiều ngân hàng như TPBank tăng 49% lên 3.102 tỷ đồng; tại VIB tăng 39% lên hơn 7.369 tỷ đồng; LienVietPostbank tăng 66% lên hơn 3.325 tỷ đồng; Vietcombank tăng 16% lên hơn 4.065 tỷ đồng; ngân hàng Bản Việt tăng 30% lên hoen 755 tỷ đồng;…

Nợ cần chú ý là tiền mà người vay mượn không trả đúng thời hạn quy ước phải trả tiền đã vay mượn cho các tổ chức tín dụng bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Khi đã đến hạn thanh toán hợp đồng vay theo như thỏa thuận về thời gian cho vay mà khách hàng không có khả năng thanh toán được tiền lãi và cả gốc thì được xếp vào nhóm nợ cần chú ý.

Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10 đến 90 ngày) dù chưa bị xếp vào nhóm nợ xấu nhưng trước tình trạng tăng nhanh như hiện nay có thể sẽ gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai.

Nợ nhóm 3, nhóm 4 ngân hàng đang có xu hướng giảm - Ảnh 2

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021.

Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực, do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Agriseco cho rằng Thông tư 14/2021/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hết hạn vào cuối tháng 6 vừa qua sẽ phản ánh lên nợ xấu các ngân hàng thời gian tới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Agriseco đánh giá rủi ro nợ xấu là hiện hữu và cần theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục cùng công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu không quá lo ngại.

Công ty chứng khoán này cũng cho biết, ngân hàng là một trong những tổ chức nắm giữ lượng lớn trái phiếu phát hành ra thị trường, khoảng trên 50%. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản thời gian qua được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn đã khiến đa số các ngân hàng phải giảm tỷ trọng phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục