Bức tranh nợ xấu của ngân hàng hé lộ rõ hơn trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022. Nhưng điểm đáng chú ý về nợ xấu trong nhiều bản báo cáo kết quả kinh doanh kỳ này của các ngân hàng là nợ nghi ngờ mất vốn (nợ nhóm 4) tại không ít nhà băng tăng cực mạnh.
Chẳng hạn, tại ngân hàng OCB, tính đến 30/6/2022, nợ nghi ngờ cao gấp 2,3 lần so với đầu năm, từ hơn 290 tỷ đồng lên gần 686 tỷ đồng.
Còn tại SHB, nợ nghi ngờ mất vốn còn tăng cao gấp 2,9 lần, từ 1.601 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 4.628 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 3.027 tỷ đồng sau 6 tháng năm 2022.
Đối với ngân hàng Nam A Bank, nợ nghi ngờ tăng 55% so với đầu năm, từ gần 193 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 299 tỷ đồng sau 6 tháng năm 2022.
Ngoài ra, nợ nhóm 4 còn tăng tại nhiều ngân hàng như VIB tăng 32% lên hơn 2.125 tỷ đồng; MBBank tăng 15% lên hơn 1.168 tỷ đồng; ngân hàng TPBank tăng 23% lên 431 tỷ đồng; …
Trong nghiệp vụ ngân hàng, nợ được gọi là nợ xấu bao gồm các loại nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn, nợ có khả năng mất vốn. Xếp theo cấp độ nguy hiểm và tỷ lệ trích lập dự phòng cũng phải tương ứng thì nợ có khả năng mất vốn là nguy hiểm nhất, sau đó đến nợ nghi ngờ, rồi nợ dưới tiêu chuẩn.
Nợ nghi ngờ mất vốn là các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày tới 360 ngày. Nếu quá từ 91 ngày tới 180 ngày, nợ xấu lại thuộc nhóm nợ dưới tiêu chuẩn. Điều này đồng nghĩa với việc khoản nợ quá hạn một ngày đã bị chuyển nhóm. Ngoài ra, nợ nghi ngờ mất vốn còn là những khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2.
Theo quy tại Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/10, việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu được áp dụng theo tỷ lệ 20-50-100. Tức là nợ dưới tiêu chuẩn phải trích lập 20%. Nợ nghi ngờ mất vốn được trích lập 50%. Nợ có khả năng mất vốn phải được trích lập 100%.
Suốt thời gian qua, hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp có thêm vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi sau dịch COVID-19. Cũng nhờ đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.51%, tương đương hơn 880 ngàn tỷ đồng đã được bơm thêm ra thị trường.
Chất lượng nợ vay tại các ngân hàng thời gian dịch COVID-19 diễn ra và giai đoạn nền kinh tế phục hồi được hỗ trợ rất nhiều nhờ các thông tư cho phép cơ cấu lại nợ. Điều này cũng giúp cho các khoản nợ vốn dĩ dưới chuẩn được tiếp tục cơ cấu để có thể tiếp tục vay. Và cũng vì vậy, số nợ xấu thực tế cao hơn nhiều so với con số trên sổ sách.
Thế nhưng, từ ngày 30/06/2022, Thông tư 14/2021/TT-NHNN được chấm dứt. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng việc dừng Thông tư 14 sẽ khiến các ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu. Thêm vào đó, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng được Quốc hội kéo dài sẽ là tiền đề để xây dựng pháp luật xử lý nợ xấu.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết