Theo báo cáo tài chính quý III năm 2018 của Tổng Công ty Licogi – CTCP tại ngày 30/9/2018, Tổng công ty Licogi có doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 18,7 tỷ đồng, giảm 81,3% so với hơn 100 tỷ đồng của quý III năm 2017.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 8,7 tỷ đồng so với 41,1 tỷ đồng của quý III/2017. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 18,5 tỷ đồng so với 33 tỷ đồng của quý III/2017.
Tình trạng kinh doanh sa sút khiến tổng lợi nhuận trước thuế âm 24,9 tỷ đồng. Con số này của quý III năm 2017 là 37,1 tỷ đồng. Việc này kéo theo lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục âm gần 25 tỷ đồng, so với 37,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Theo bản báo cáo, mặc dù lợi nhuận sau thuế quý III/2018 âm 25 tỷ đồng nhưng vẫn tăng 12,1 tỷ đồng so với quý III/2017, chủ yếu do doanh thu hợp đồng kinh doanh chính quý III năm nay so với cùng kỳ năm 2017 giảm 81% tương ứng số tiền 81,3 tỷ đồng và chi phí giá vốn giảm 90% tương ứng 90 tỷ đồng, làm lợi nhuận gộp tăng 8,6 tỷ đồng.
Nợ của Tổng công ty Licogi tại thời điểm 30/9/2018 so với 1/1/2018.
Đặc biệt đáng lo ngại, theo bản báo cáo tài chính vừa công bố, nợ vay phải trả của doanh Licogi đang cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp này là 2.287 tỷ đồng (nợ ngắn hạn phải trả là hơn 1.815 tỷ đồng), trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ có khoảng 482 tỷ đồng.
Hiện Licogi đang là “con nợ” của hàng loạt ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty Cổ phần cơ khí Đông Anh,…
Trước đó, vào khoảng giữa tháng 9/2018 Tổng công ty Licogi đã công bố thông tin về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty con Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi.
Mục đích của việc huy động này là để triển khai thực hiện khu đô thị Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, dự kiến được phát hành trong một hoặc nhiều đợt trong năm 2018 và có thể sang năm 2019 tuỳ thuộc tình hình thị trường.
Kỳ hạn trái phiếu trên 1 năm, được thế chấp bởi toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi tại dự án Thịnh Liệt. Tổng công ty Licogi cũng sẽ thế chấp 100% phần vốn tại Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi.
Dự án KĐT Thịnh Liệt chậm tiến độ 14 năm.
Động thái này của Licogi được cho là nhằm “giải cứu” khu đô thị Thịnh Liệt khỏi diện "báo tử" theo chỉ thị “hủy các dự án triển khai quá 3 năm” của UBND TP Hà Nội.
Được biết, KĐT Thịnh Liệt có quyết định thu hồi đất từ ngày 10/8/2004. Cụ thể, 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai sẽ được giao cho Tổng công ty Licogi tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Sau đó, dự án được UBND thành phố chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/9/2007.
Theo đó, diện tích đất để xây dựng cơ sở hạ tầng Licogi không phải nộp tiền sử dụng đất là 252.868m2; diện tích đất để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ với hình thức nộp tiền sử dụng đất 50 năm là 10.705m2; diện tích đất xây dựng biệt thự, nhà vườn với hình thức nộp tiền sử dụng đất ở là 47.654m2; diện tích xây dựng chung cư với hình thức giao đất nộp tiền sử dụng đất ở là 29.225m2…
Tuy nhiên, đến nay, đã 14 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, Licogi không có động thái nào trong việc triển khai xây dựng, toàn cảnh KĐT rộng 35ha là một cánh đồng cỏ dại mọc um tùm.
Đáng nói, dự án “treo” nhiều năm khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện tạm bợ, không điện, không nước sạch. Hạ tầng xuống cấp, môi trường sinh sống nhếch nhác, rác thải bủa vây khu dân cư, ô nhiễm,…
14 năm trôi qua, KĐT Thịnh Liệt vẫn chỉ là một cánh đồng hoang.
Theo ghi nhận thực tế tại dự án này, một phần diện tích đất giải phóng mặt bằng đã được cho thuê lại làm bãi đỗ xe, trạm trộn bê tông... trái phép, gây bức xúc cho người dân.
Trong khi đó, Licogi, chủ đầu tư dự án từng khiến dư luận nghi ngại về năng lực tài chính, “đói vốn” để thực hiện dự án.
Hơn nữa, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này liên tục thua lỗ: Năm 2016, lỗ sau thuế 436 tỷ đồng, bằng gần nửa vốn điều lệ; 9 tháng đầu năm 2017, lỗ sau thuế hơn 46 tỷ đồng, lỗ lũy kế theo đó lên mức 514 tỷ đồng, vượt quá nửa vốn điều lệ (900 tỷ đồng).
Cũng liên quan đến các dự án chậm tiến độ, tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội vào ngày 13/8 vừa qua đã chỉ ra nhiều dự án chậm triển khai trong nhiều năm, của nhiều chủ đầu tư lớn.
Đồng thời, phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất.
Hải Lan
Theo Vnfinance/SHTT