Nợ công của Việt Nam vẫn đang trong ngưỡng an toàn?

(Kinhdoanhnet) – Tỷ lệ nợ công tại Việt Nam đang tăng lên một cách chóng mặt, nếu như trong năm 2001, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chỉ mới là 11,5% thì đến cuối năm 2013 con số này đã lên tới 60%. Như vậy trung bình mỗi người Việt Nam hiện đang phải gánh hơn 948 USD, tương đương hơn 21 triệu đồng nợ công thế giới.

Theo số liệu mà Bộ Tài chính vừa công bố tính đến hết năm 2013, con số nợ công đã tăng lên tới 1,5 triệu tỷ đồng, trong khi trước đó tính đến hết năm 2010 con số này mới chỉ dừng lại ở 889.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng 4 năm nợ Chính phủ đã tăng thêm 70%.

Trong khi nợ nước ngoài có xu hướng tăng chậm hơn thì nợ trong nước tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay nước ngoài vẫn cao hơn so với vay trong nước.

Chỉ tính riêng trong năm 2013 tổng số tiền chi trả nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi so với 2010. Tỷ lệ nợ của Chính phủ so với thu ngân sách 4 năm từ 2010 đến 2013 cũng liên tục tăng, tính đến năm 2013 tỷ lệ này đang là trên 184%.

Theo số liệu mà Bộ Tài Chính công bố, năm 2013, ngân sách nhà nước đã chi gần 186.000 tỷ đồng để trả nợ công.

Nợ công của Việt Nam hiện đang đạt xấp xỉ 60%, vượt 1,3 triệu tỷ đồng trong 4 năm qua. Theo dự báo của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam tính đến cuối năm nay khoảng 60,3% GDP và và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015.

Theo tạp chí The Economist hiện nợ công của Việt Nam đang trên 86 tỉ USD, chiếm 47,1% GDP. Như vậy trung bình mỗi người Việt Nam sẽ gánh hơn 948 USD, tương đương hơn 21 triệu đồng nợ công thế giới.

Nợ công của Việt Nam vẫn đang trong ngưỡng an toàn? - Ảnh 1
Mỗi người Việt Nam gánh hơn 21 triệu đồng nợ công.

Mặc dù tỷ lệ nợ công đang tăng nhanh nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Thủ tướng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đặc biệt nâng cao quản lý nợ công, nhất là với các khoản vay mới. Theo kế hoạch đến năm 2016 nợ công sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65%.

Nếu đem con số nợ công của Việt Nam so với 5 nước láng giềng, thì nước ta hiện nay đang đứng đầu bảng danh sách về nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất khi đã chạm ngưỡng 60% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công ở Indonesia chỉ là 24,4% GDP, ở Thái Lan là 45,9%; Philippines 50,2%; Lào 46,3%; Malaysia 54,6% và bình quân của các nước đang phát triển là 35,3% GDP.

Trong khi đó thu nhập trung bình của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều nước, chưa đến 2.000 USD/người/năm, thua xa Philippines với 4.700 USD, Indonesia 5.200 USD, Malaysia 17.500 USD. Đồng thời dân số Việt Nam cũng đang bắt đầu già hoá, năng suất lao động còn giảm dần và thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính những điều này đã khiến cho nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ KH-ĐT không ngần ngại đưa ra lời cảnh báo, "chúng ta có nguy cơ chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều".

Anh Công (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục