Theo Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 9/01/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình do ông Nguyễn Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư Cầu Chẹm, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn.
Nhà đầu tư trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group (nằm trên địa bàn xã Gia Thanh). Việc triển khai dự án khu dân cư này nhằm đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt, bao gồm: Các công trình hạ tầng kỹ thuật (san nền, giao thông, cấp – thoát nước, cấp điện, điện chiếu sáng, công viên cây xanh); Các công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch với 267 lô đất nền.
Khu dân cư Cầu Chẹm có tổng diện tích 75.218m2, quy mô dân số dự án 750 người. Điều kiện sử dụng đất: Thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê. Thời gian sử dụng đất theo quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tổng mức đầu tư Dự án là 117,44 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở thương mại là 101,49 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 15,946 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng.
Nếu tính theo Quyết định này hoặc theo ngày ký kết hợp đồng giữa đại diện tỉnh Ninh Bình là Sở Xây dựng và Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group thì đến nay, sau khoảng thời gian 2 năm thì công trình dự án khu dân cư cầu Chẹm của Công ty cổ phần đầu tư Thành Thắng Group có hiện trạng gần như bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, hệ thống cống rãnh vẫn chưa hình thành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án chưa có.
Trao đổi với PV Tài chính Doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Viễn cho biết: Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) được thực hiện từ năm 2020. Đến nay, huyện đã làm hết trách nhiệm về tiến độ kiểm kê, đền bù, GPMB và huyện cũng đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Ông Trần Ngọc Chi - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gia Viễn cũng cho biết: Tại Dự án Khu dân cư Cầu Chẹm chủ đầu tư chưa san lấp, hay xây dựng bất kỳ công trình nào. Phần còn lại Sở Xây dựng triển khai tiếp như thế nào thì ông cũng không nắm bắt được vì là dự án của tỉnh.
Được biết, ngoài là Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group - một doanh nghiệp nghìn tỷ tại Ninh Bình, ông chủ Lâu đài "Cao nhất Đông Nam Á" Đỗ Văn Tiến (52 tuổi) còn nắm giữ Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group.
Tính đến cuối tháng 11/2018, Đầu tư Thành Thắng có vốn điều lệ 2.280 tỉ đồng, trong đó ông Đỗ Văn Tiến nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 99,556% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được sở hữu bởi 2 cổ đông cá nhân khác là ông Đỗ Văn Tuyên (0,12%) và ông Đỗ Văn Thành (0,3%).
Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group được thành lập ngày 20/11/2013. Địa chỉ chính tại Thông Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Tại ngày 17/4/2015, vốn điều lệ Xi măng Thành Thắng là 999 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group nắm giữ 97,09%, ông Đỗ Văn Tiến sở hữu 2,32% và ông Đỗ Văn Thắng sở hữu 0,58% còn lại.
Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 13/12/2021, vốn điều lệ Xi măng Thành Thắng đạt 4.437,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Xi măng Thành Thắng là ông Đỗ văn Tiến (SN 1964).
Giai đoạn 2016 - 2020, Xi măng Thành Thắng ghi nhận doanh thu tăng trưởng lên đến 1.096%, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân hơn 200%/năm.
Doanh thu, lợi nhuận Xi măng Thành Thắng dẫu có được cải thiện vào năm 2019 và 2020, song vẫn cực nhỏ bé khi đặt cạnh nguồn thu về. Chưa kể, doanh nghiệp ghi nhận những khoản lỗ khủng liên tiếp trong 2 năm trước đó là 2017 và 2018 - thời điểm Lâu đài Thành Thắng của ông Đỗ Văn Tiến - Chủ tịch HĐQT Thành Thắng Group được xây dựng.
Chỉ đến năm 2019 - thời điểm lâu đài Thành Thắng được khánh thành, doanh nghiệp mới báo lãi trở lại với 2,8 tỷ đồng, và lãi tiếp 36,6 tỷ đồng năm 2020. Thế nhưng, số lãi này vẫn có thể được xem là "hạt tiêu" khi đặt cạnh con số doanh thu lên đến 4.492 tỷ đồng trong năm 2020.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Xi măng Thành Thắng đạt 13.052 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.528 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 9.523 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, ngày 15/6/2018, ông Đỗ Văn Tiến đã phát sinh giao dịch với Ngân hàng trong đó thể hiện việc ông Tiến thế chấp 167.293.000 cổ phần do Đầu tư Thành Thắng phát hành có mệnh giá 10.000.000/cổ phần với tổng mệnh giá 1.672 tỷ đồng, cho khoản vay 2.824 tỷ đồng tại nhà băng này.
Cũng trong ngày 15/6/2018, ông Đỗ Văn Tiến tiếp tục sử dụng 28.200.000 cổ phần của Đầu tư Thành Thắng có mệnh giá 10.000.000/cổ phần, tổng mệnh giá: 282 tỷ đồng để đảm bảo cho khoản vay có giá trị 2.824 tỷ đồng.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Tòa lâu đài thuộc sở hữu của ông Đỗ Văn Tiến (52 tuổi) – ông chủ Thành Thắng Group từ lâu đã nổi danh là cung điện nguy nga bậc nhất Ninh Bình được biết đến là toà nhà cao nhất Đông Nam Á với chiều cao của tổng thể bên ngoài bằng một tòa nhà 18 tầng và tổng diện tích mặt sàn là 15.000 m2.
Được khởi công xây dựng từ năm 2016, cung điện Thành Thắng toạ lạc trên quốc lộ 1A, huyện Gia Viễn, được xây dựng dựa trên ý tưởng từ Nhà thờ Thánh Peter và những công trình ở Vatican (Italy). Ước tính được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo như lời giới thiệu từ công ty thì Tập đoàn Thành Thắng được thành lập Ngày 05 tháng 8 năm 2005 ban đầu chỉ có một công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là “Khai thác và chế biến vật liệu xây dựng” đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tới nay Tập đoàn đã có tất cả 7 công ty đóng trên địa bàn 5 tỉnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như : Kinh doanh thương mại, dịch vụ khách sạn, cầu cảng, và rất nhiều ngành nghề khác….