Niềm tin của khách hàng sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững

(Kinhdoanhnet) - Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Quản lý phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà về các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Niềm tin của khách hàng sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững - Ảnh 1
Thị trường bất động sản cần lấy lại niềm tin của khách hàng.

Sau quãng thời gian dài trầm lắng cho tới thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản liên tục ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực về tốc độ tiêu thụ cũng như mức độ quan tâm của khách hàng đến dự án. Trong giai đoạn khủng hoảng từ năm 2009 cho đến nay, rất nhiều dự án ngừng thi công giữa chừng khiến không hiếm khách hàng lao đao. Dư âm của thời kì này cho tới tận hôm nay vẫn còn, trong số những khách hàng “kém may mắn", không ít người mua nhà dù đã đóng hàng tỷ đồng cho chủ đầu tư nhưng nhiều năm nay vẫn phải đi kiện cáo, đấu tranh để đòi nhà.

Thực tế đó khiến khách hàng trở nên thận trọng hơn trong các quyết định mua bán, đầu tư nhà cửa của mình.Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi thị trường bất động sản có quá nhiều sự lựa chọn thì uy tín chủ đầu tư trở thành yếu tố hàng đầu để khách hàng quyết định chọn mua.

Theo Savills đánh giá, với mong muốn cải thiện thanh khoản và giao dịch, nguời mua đang đựợc huởng lợi tự nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, bao gồm các điều khoản thanh toán linh hoạt, lãi suất cho vay mua nhà cạnh tranh, gói kích cầu kinh tế. Thương hiệu và uy tín của nhà đầu tư cũng là một yếu tố chính ảnh hưởng đến lòng tin của nguời mua.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng nhận định, Thị trường BĐS "đóng băng" là do phát triển thiếu quy hoạch, không có kế hoạch, chưa sát với nhu cầu thị trường dẫn đến lệch pha cung - cầu; cơ cấu hàng hóa mất cân đối; hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện; năng lực doanh nghiệp (DN) BĐS hạn chế; quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập. Từ đó, Bộ đã đề ra quan điểm trên. 

Trong các nhóm giải pháp, đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi bổ sung, với nhiều quy định đột phá, tác động tích cực đến thị trường, phát triển đa dạng các loại hình nhà ở phù hợp nhu cầu, khả năng thanh toán từng nhóm đối tượng; nới lỏng điều kiện cho người Việt định cư ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu nhà ở trong nước; quy định chủ đầu tư phải được tổ chức tài chính bảo lãnh khi bán BĐS hình thành trong tương lai để bảo đảm quyền lợi khách hàng… 

Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, các địa phương đã phân loại dự án triển khai, dự án tạm dừng, dự án cần điều chỉnh quy mô cho phù hợp với quy hoạch hoặc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa chiến lược phát triển nhà ở quốc gia bằng chương trình phát triển nhà ở cho đối tượng chính sách, người thu nhập thấp. Các DN BĐS, trước hết là DN nhà nước đã điều chỉnh cơ cấu kinh doanh, tập trung vào phát triển NƠXH. 

Nhiều tổng công ty lớn như Viglacera đi tiên phong trong phát triển khu đô thị NƠXH đồng bộ hạ tầng, tiện ích xã hội. Tính riêng khu vực đô thị, cả nước đã hoàn thành đầu tư 102 dự án NƠXH, trong đó có 38 dự án cho người thu nhập thấp; đang triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà cho người thu nhập thấp quy mô 55.800 căn hộ, tổng mức đầu tư 28.500 tỷ đồng. Nếu năm 2013, cả nước phát triển 0,3 triệu mét vuông sàn NƠXH thì năm 2014 đã tăng thêm 0,8 triệu mét vuông, đưa tổng diện tích loại nhà ở này lên 1,8 triệu mét vuông.

Những tháng đầu năm 2015, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi. Mặt bằng giá nhà ở tương đối ổn định. Quý I-2015, một số dự án chuẩn bị hoàn thành, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng hoàn chỉnh, giá chào bán tăng nhẹ khoảng 5-10% so với cùng kỳ 2014. Lượng giao dịch thành công tăng. 4 tháng đầu năm 2015 có khoảng 5.850 giao dịch thành công (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2014), riêng tháng 4-2015 có khoảng 1.600 giao dịch thành công (tăng 10% so với tháng 3-2015). 

Cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh hợp lý, với 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, tồn kho BĐS giảm qua từng quý. 

Tính đến ngày 20-5-2015, giá trị tồn kho BĐS còn 67.443 tỷ đồng, giảm 61.000 tỷ so với quý I-2013, giảm 1.338 tỷ đồng so với ngày 20-4-2015. Tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống cũng cho thấy sự ấm lại của thị trường. 

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Dân trí, HNM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục