Những yếu tố định hình kinh tế Trung Quốc trong tương lai

Ngay cả khi Trung Quốc duy trì đà cải cách theo định hướng thị trường, những căng thẳng với phương Tây khó có thể được giải quyết nhanh.

Những yếu tố định hình kinh tế Trung Quốc trong tương lai - Ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Michael Spence, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, Mỹ, người đoạt giải Nobel về kinh tế, mới đây đã có bài viết đăng trên trang mạng Project Syndicate cho rằng những căng thẳng trong quan hệ thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ là những yếu tố định hình mô hình phát triển của Trung Quốc trong tương lai.

Sau đây là nội dung bài viết:

Ngay cả khi Trung Quốc duy trì đà cải cách theo định hướng thị trường, những căng thẳng với phương Tây khó có thể được giải quyết nhanh.

Mặc dù có thể được giải quyết từng bước nhưng những căng thẳng này rất khó loại bỏ một cách dễ dàng, và điều này có nghĩa là chúng có thể sẽ là nhân tố chính hình thành nên mô hình phát triển Trung Quốc trong tương lai.

Chiến lược tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn được điều chỉnh kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng “cải cách đất nước và mở cửa” vào năm 1978.

Quá trình cải cách trong 40 năm qua không tránh khỏi có những sai lầm, nhưng chính phủ đã thể hiện mong muốn sẵn sàng điều chỉnh cũng như khả năng chèo lái vượt qua các bước chuyển đổi phức tạp, được hỗ trợ thông qua tranh luận chính sách nội bộ lành mạnh.

Nhưng mô hình phát triển của Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào trong tương lai, khi các điều kiện bên ngoài đặt ra những thách thức mới cho tăng trưởng kinh tế?

Một đặc điểm nổi bật của bốn thập kỷ cải cách vừa qua ở Trung Quốc là vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, một vấn đề hiện vẫn còn khá nhiều bất đồng ngay ở trong nước.

Một số ý kiến cho rằng nhà nước – mà rộng hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) - phải giữ một vai trò nổi bật, để duy trì sự ổn định xã hội cần thiết cho phát triển kinh tế.

Những ý kiến khác cho rằng thúc đẩy đổi mới để đạt được mức thu nhập cao đòi hỏi nhà nước giảm bớt vai trò của một người tham gia thị trường và tăng cường vai trò của một trọng tài, cơ quan quản lý, và phân định về ưu tiên kinh tế và xã hội.

Nhà nước đã giữ vai trò đã không thể thiếu trong sự phát triển của Trung Quốc, không chỉ bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng và công nghệ, mà còn hỗ trợ cho sự phát triển của các thị trường non trẻ và các tổ chức khu vực tư nhân. Sự tham gia của nhà nước cũng cần thiết để giúp quản lý bất bình đẳng và đảm bảo các mô hình tăng trưởng có tính bao trùm, điều không thể trông đợi vào một mình thị trường có thể làm được.

Hơn nữa, nhà nước Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề phối hợp, một vấn đề các thị trường phi tập trung khó xử lý dễ dàng hoặc hiệu quả bởi, nhất là ở các nước đang phát triển, nơi các thể chế thị trường và năng lực hành chính có thể ở các mức độ phát triển khác nhau.

Trong các kế hoạch 5 năm, Chính phủ Trung Quốc đã xác định các ưu tiên và mục tiêu rõ ràng giúp đảm bảo rằng các chính sách và đầu tư bổ sung được thực hiện đồng bộ hay theo trình tự hợp lý.

Những người ủng hộ việc trao cho thị trường và khu vực tư nhân vai trò “quyết định” trong nền kinh tế không phản đối những điểm trên. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng đổi mới, tăng năng suất và tăng trưởng nói chung đã được thúc đẩy chủ yếu bởi khu vực tư nhân đang ngày càng mở rộng.

Một thị trường nhộn nhịp các ý tưởng là một bộ phận quan trọng của mô hình này. Sự hiện diện ngày càng lớn hơn trong các doanh nghiệp tư nhân và sự can thiệp kinh tế mạnh tay của CPC và sự ưa thích ngày càng tăng đối với tính chính thống có thể là mối đe dọa cho sự năng động và tăng trưởng.

Sự thiếu rõ ràng về vai trò của nhà nước trong các công ty tư nhân đang cản trở đầu tư ra bên ngoài của các công ty đa quốc gia Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành liên quan đến an ninh mạng quốc gia và an ninh mạng, một khu vực đang phát triển nhanh khi các nền kinh tế thế giới chuyển sang nền tảng kỹ thuật số.

Nếu Trung Quốc trở lại với mô hình trong đó nhà nước sở hữu tài sản trong các lĩnh vực then chốt, thì các ngành đó có thể hoạt động kém hiệu quả do thiếu cạnh tranh và thử nghiệm, dẫn đến đình trệ.

Điều đáng chú ý là Trung Quốc không bao giờ áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp cổ phần đã có từ lâu ở phương Tây, mặc dù phương Tây hiện đang chuyển sang “mô hình quản trị nhiều bên”. Thay vào đó, Trung Quốc coi các tập đoàn (và thị trường tài chính) là công cụ để đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội.

Do đó, theo một nghĩa nào đó, Trung Quốc đang áp dụng một loại mô hình nhiều bên. Một khi quản trị môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) trở nên phổ biến ở phương Tây, các mô hình của Trung Quốc và phương Tây có thể bắt đầu hội tụ, với sự khác biệt chủ yếu là, ở Trung Quốc, CPC và nhà nước đại diện cho các bên không phải là chủ sở hữu hoặc cho lợi ích công cộng.

Vai trò tương đối của nhà nước và thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được xác định dứt khoát. Các chi tiết của mô hình có thể sẽ được xác định dựa trên những cân nhắc thực dụng và sửa đổi trong quá trình thực hiện.

Nhưng rõ ràng là để đạt được các mục tiêu về công nghệ do Chính phủ đề ra trong kế hoạch “Made in China 2025”, sẽ cần một khu vực tư nhân năng động và tương đối tự do, cũng như hỗ trợ đáng kể của nhà nước thông qua đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu khoa học tiến tiến.

Những nỗ lực theo sự chỉ đạo của nhà nước của Trung Quốc nhằm thúc đẩy đổi mới đã làm gia tăng căng thẳng với các đối tác kinh tế, đặc biệt là Mỹ.

Nhưng Trung Quốc có thể thực hiện các bước để xoa dịu những lời chỉ trích, đặc biệt là bằng cách cam kết tôn trọng sở hữu trí tuệ, xóa bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại xuyên biên giới và (đặc biệt là) đầu tư, và rút bỏ yêu cầu thành lập liên doanh đối với các khoản đầu tư tư nhân xuyên biên giới, để không ép buộc chuyển giao công nghệ.

Những thách thức lớn hơn liên quan đến vai trò của nhà nước trong công nghệ và an ninh quốc gia. Các công ty tư nhân Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài cần phải phát đi tín hiệu đáng tin cậy rằng trọng tâm của họ hoàn toàn là thương mại và họ không theo đuổi các chương trình nghị sự khác, như an ninh quốc gia.

Một cam kết từ nhà nước Trung Quốc không trói buộc các tập đoàn đa quốc gia tư nhân tham gia vào các chương trình nghị sự như vậy cũng sẽ có tác dụng tốt. Không hy vọng một chính phủ nào sẽ từ bỏ việc sử dụng các công cụ mạng trong hoạt động gián điệp, nhưng các chính phủ có thể tránh lôi kéo khu vực tư nhân vào việc này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rào cản cao hơn trong các quy trình xét duyệt đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể nhận được các khoản trợ cấp khó phát hiện, quyền tiếp cận đặc quyền đối với vốn có chi phí thấp và bảo vệ khỏi cạnh tranh trong nước. Điều cơ bản nhất là khi chính phủ là cổ đông kiểm soát, yêu cầu tách biệt giữa lợi ích thương mại và các mục tiêu của nhà nước dường như khó có thể đáp ứng.

Những trở ngại cho đầu tư xuyên biên giới vào Internet cũng rất cao và có tiếp tục tồn tại. Ở đây cũng vậy, những khác biệt lớn trong quản lý (bao gồm cả vai trò của nhà nước đối với nội dung và quyền truy cập dữ liệu) sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể khắc phục.

Sự hội tụ với mô hình phát triển ở phương Tây là không thể trong thời gian trước mắt. Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là liên quan đến vai trò của nhà nước trên thị trường, sẽ còn tồn tại.

Nhưng con đường phát triển theo định hướng thị trường chắc chắn sẽ giúp giảm những căng thẳng này. Việc phân định rõ ràng hơn trách nhiệm của nhà nước và thị trường sẽ giúp loại bỏ một trở ngại lớn cho việc đạt được những tiến triển mới./.

Nguồn TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục