Đại án Ngân hàng Xây dựng: Phạm Công Danh và đồng phạm
Ngày 30/6/2016 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo tới các cơ quan có liên quan phải nhanh chóng điều tra đưa ra xét sử trước pháp luật vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Theo đó, vào ngày 29/7/2014, một thông tin làm chấn động giới ngân hàng trong nước đó là ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra cùng với một số thành viên trong ban lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh. Với các tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng xây dựng.
Cụ thể, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã lập các hồ sơ khống như nâng cấp hệ thống Corebanking; thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành; Thuê trụ sở ở đường Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng 644 tỷ đồng; ông Danh và đồng phạm đã rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý của chủ tài khoản và không có chữ ký của chủ tài khoản; Rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay; Rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Tổng cộng gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng 7.000 tỷ. Ngoài ra, ông Danh đã cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là các tài sản đều được nâng khống về giá trị, một số khoản vay của các công ty đều có chung tài sản thế chấp. Số tiền thiệt hại với hành vi này là 2.000 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng.
Ông Phạm Công Danh khi chưa bị bắt. Ảnh: Internet.
Dự kiến phiên toà xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm sẽ được TAND TP. Hồ Chí Minh tiến hành vào ngày 19/7 tới đây. Ngoài ra trong quá trình điều tra cũng phát hiện ông Phạm Công Danh trước khi làm chủ tịch VNBC đã có tiền án 6 năm với tội danh: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN.
Đại gia tay không bắt giặc
Liên quan tới vụ án này là ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Vào năm 2012, ông đứng thứ 8 trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với trị giá cổ lượng cổ phiểu của ông là 1.800 tỷ đồng. Năm 2014, tổng tài sản của ông ước tính đã trên 1 tỷ USD.
Tên tuổi ông Thắm đang nổi trong giới đại gia Việt, thì bất ngờ đến ngày 24/10/2014. Ông Thắm bị bắt tạm giam và bị khởi tố với tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng (TCTD). Sau ông Thắm, Viện KSND Tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank. Theo đó, Nguyễn Văn Hoàn là đồng phạm với ông Thắm để ra các quyết định cho Công ty TNHH Trung Dung vay số tiền lên tới 500 tỷ mặc dù biết hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện đáp ứng để hoà nợ. Điều này đã khiến bên phía OceanBank thất thoát 500 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm – đại gia tay không bắt giặc. Ảnh: Internet.
Từ trước đó giới chuyên môn đã nhận ra việc ông Thắm giàu lên rất nhanh, từ một người không có vốn gì lớn mà nhanh chóng trở thanh đại gia trong giới tài chính, phát triển qua rất nhiều ngành và có nhiều dự án tham vọng lớn. Giới chuyên môn cho rằng ông Thắm đã tay không bắt giặc mà trở thành đại gia cuối cùng đã phải chịu tội trước pháp luật.
Hai vụ án lớn tại cùng một ngân hàng Agribank
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) là một trong những ngân hàng lớn nhất nhưng cũng nhiều vụ án tham nhũng nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, những vụ án tham nhũng ở Agribank có quy mô và tổ chức rất lớn thiệt hại nên tới hàng nghìn tỷ.
Đầu tiên chính là đại án gây thất thoát 966 tỷ tại Agribank chi nhánh số 6, do Dương Thanh Cường và đồng phạm gây ra tại Agribank CN 6 thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, ông Cường đứng ra nhận huy động vốn cùng với công ty Đông Phương để đầu tư xây dựng và khai thác dự án Trung tâm thương mai, dịch vụ và chung cư cao tầng tại lô đất 17.000 m2 ở đường Âu Cơ, quận Tân Phú. Ông Cường đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 170 tỷ tại Agribank CN 6, tài sản thế chấp chính là lô đất chuẩn bị được xây dựng. Cường đã bắt tay với Hồ Đăng Chung là giám đốc Ngân hàng Agribank CN 6 lúc đó vay thành công 170 tỷ. Một tháng sau Cường lại chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay Agribank thêm 628 tỷ và được lãnh đạo, cán bộ tín dụng Agribank chấp thuận cho vay. Tổng cộng đến tháng 9/2012, Agribank bị thiệt hại hơn 966 tỷ đồng.
Ngày 5/11/2015, TAND TP. HCM đã tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân với hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Buộc Dương Thanh Cường phải bồi thường cho Agribank CN 6 toàn bộ số tiền tổng cộng 1.127,2 tỷ đồng. Các đồng phạm của Cường cũng lĩnh án từ 8-25 năm tù.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Agribank. Ảnh: Internet.
Một vụ đại án khác tại Ngân hàng Agribank nhưng lần này số tiền thất thoát lên tới 2.500 tỷ đồng đã được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày 21/12/2015. Liên quan tới vụ đại án này gồm có 14 cựu cán bộ Ngân hàng Agribank và 4 cựu cán bộ hải quan. Theo đó Công ty CP Lifepro Việt Nam do Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) giữ vị trí cao nhất đã tạo các hợp đồng khống để chiếm đoạt cả nghìn tỷ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Cụ thể phía Công ty Lifepro đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn để được phía ngân hàng phê duyệt, giải ngân. Các đối tượng chỉ đạo cấp dưới khai khống các số liệu trong dự án Luxfashion, lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.425 tỷ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Sau đó bỏ chốn. Liên quan tới các cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng, các đối tượng đã có hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Công ty Lifepro không có căn cứ, không thẩm định hồ sơ vay cũng như việc bỏ qua các điều khoản giải ngân theo quy định, làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho Agribank.
Quang Thắng (Tổng hợp)