Năm “ghi điểm” cho tỷ giá
Năm 2013, NHNN đã đạt được những kết quả nhất định trong việc điều hành tỷ giá, chính sách được thực hiện nhất quán và linh hoạt đã mang lại thành công trên thị trường ngoại hối. Đây là cơ sở để nhnn duy trì sự ổn định tỷ giá VND/USD, thị trường ngoại hối, chống “đô la hóa”.
Chính sách tiền tệ ngày càng chứng tỏ được vai trò then chốt trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô
Những thành công đạt được trong điều hành chính sách tỷgiá VND/USD được thể hiện ở những điểm sau:
Một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm 2013 là chính sách tỷ giá. Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI). Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cách ứng xử của NHNN với tỷ giá đã làm gia tăng lòng tin của người dân, nhà đầu tư vào VND. Sự ổn định của tỷ giá cũng góp phần giữ lạm phát ở mức tương đối thấp so với những năm trước.Kết quả là, kết thúc năm 2013, tỷ giá chỉ được điều chỉnh biến động ở mức trên dưới 1% (cam kết điều chỉnh không vượt quá 2-3%), phù hợp với cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế; Thực hiện các biện pháp tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước và chống “đô la hóa” trong nền kinh tế thành công.
Đây là lần thứ tư Chính phủ Việt Nam công bố giảm giá VND trong vòng 15 tháng gần đây nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về tỷ giá giao dịch đồng USD giữa thị trường chính thức và thị trường “chợ đen”, chính yếu tố này đã và đang làm cho tình trạng lạm phát phi mã của Việt Nam tăng cao nhất trong vòng hai năm qua. Nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm chênh lệch giữa tỷ giá giao dịch liên ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do là chính sách điều hành vĩ mô đúng đắn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá mua – bán ngoại tệ cũng như hoạt động mua bán ngoại tệ của NHNN. Đơn cử, từ cuối tháng 5/2013, dù NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp, nhưng trên thị trường tỷ giá tăng và diễn biến phức tạp. Lúc đó, NHNN đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1% từ mức 20.828 đồng/USD lên mức 21.036 đồng/USD. Đồng thời, NHNN cũng điều chỉnh tỷ giá mua ngoại tệ lên 21.100 đồng từ ngày 7/8/2013 và tiếp tục mua ngoại tệ từ các TCTD tại mức giá này. Nhờ vậy, cả năm 2013 NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tiếp tục duy trì khoảng cách thu hẹp là dưới 50 VND/1USD. Có thể thấy, diễn biến tỷ giá trong năm 2013 chịu áp lực tăng giá theo bối cảnh thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là đợt tăng giá dài nhất hồi cuối tháng 4/2013, khi một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nâng giá USD lên kịch trần cho phép (21.036 VND/USD), thậm chí tăng giá mua bằng giá bán lên kịch trần 21.036 VND, giá bán USD trên thị trường tự do lên tới 21.320 VND.
Những thay đổi căn bản trong công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ của NHNN thời gian qua đã bước đầu tạo lập sự ổn định vững chắc cho thị trường này. “Sự kiên định về mục tiêu, tính nhất quán và đồng bộ trong phối hợp các giải pháp điều hành tỷ giá đã tạo điều kiện cho các DN chủ động lập và triển khai kế hoạch kinh doanh cũng như mang lại lợi ích cho toàn xã hội”, một chuyên gia bình luận.
Nửa chặng đường thách thức
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, NHNN mới đi nửa chặng đường. Năm 2014 vẫn còn nhiều thách thức đối với nhà điều hành tỷ giá. Dù đã giảm, nhưng tình trạng đô la hóa nước ta vẫn ở mức cao, thói quen giữ vàng, USD như tài sản quan trọng vẫn tồn tại trong thực tiễn và chúng ta cũng không ngoại trừ khả năng có thể bị ảnh hưởng từ những cú sốc bên ngoài. Ví như: tính thanh khoản của USD đang khá cao, nhất là nếu gói QE3 của Mỹ dừng lại, thì đồng USD chắc chắn lên giá và lãi suất đồng USD cũng sẽ tăng theo.
Trong thời gian tới, tỷ giá hối đoái biến động theo hướng nào, quả thật không dễ dự đoán. Sự biến động của tỷ giá sẽ khó lường, bởi nhiều nhân tố tác động như: nhập siêu còn lớn không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung hạn; thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao (trên dưới 6%/GDP); giá vàng trong nước và thế giới luôn tăng mạnh (do khủng hoảng chi tiêu công tại một số quốc gia Châu Âu, châu Mỹ); nhu cầu ngoại tệ nói chung, USD nói riêng vào những tháng cuối năm sẽ tăng cao do khách hàng vay vốn đến hạn trả nợ ngân hàng; do nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài; do kinh tế ngầm vẫn phát triển rất mạnh, khó có khả năng ngăn chặn, nên đôla hóa nền kinh tế còn ở mức cao; do thực hiện chính sách đồng tiền mạnh/ hay yếu của một số quốc gia trong khu vực…
Công tác điều hành chính sách tỷ giá năm 2014 vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức sau:
Thứ nhất, những thách thức lớn của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng chưa được giải quyết một cách bền vững, cụ thể như tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, chính sách nợ công tại một số quốc gia vẫn chưa được thống nhất, các gói nới lỏng định lượng vẫn tiếp tục được duy trì... Điều đó có thể tác động bất lợi đến hoạt động thương mại trong nước, dẫn đến sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư... nên vẫn có thể tạo ra những áp lực đối với công tác quản lý ngoại hối, đặc biệt khi các nền kinh tế mới nổi tập trung phát triển với cơ chế tỷgiá linh hoạt hơn.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế trong hai năm trở lại đây chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước phục hồi chậm, sức mua còn yếu, lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại. Ở Việt Nam, một số công trình nghiên cứu đã cho rằng: các đợt phá giá tiền vừa qua, không có tác dụng cải thiện cán cân thương mại”, vì thế nếu cứ coi TGHĐ là một trong những rào cản cho xuất khẩu, để “lập luận” cần phải giảm giá VND, để cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam sẽ là chưa ổn? Do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nhiều bất cập, 70 -80% đầu vào của mặt hàng xuất khẩu là nhập khẩu, trong khi xuất khẩu lại lệ thuộc vào biến động trên thị trường quốc tế về điều kiện thương mại cũng như biến động giá cả
Để điều hành chính sách tiền tệ phải đảm bảo tính linh hoạt, tiếp tục phát huy tính chủ động cao, định hướng thị trường theo mục tiêu đã đặt ra.Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hết sức linh hoạt trong năm nay nhưng không quá 2% vừa đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, không gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm 2014, NHNN cũng sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thị trường ngoại tệ. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường ngoại hối nhằm chuyển dần hoạt động tín dụng huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, giảm tình trạng đô la hóa, nhất là gia tăng niềm tin vào VND.
Tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế cần tiếp tục khắc phục bằng nhiều biện pháp, trong đó cần có sự phối chặt chẽ giữa điều hành tỷgiá với lãi suất theo hướng khuyến khích giữ VND, hạn chế dịch chuyển sang USD; Tăng cường năng lực thanh tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh có thể gây bất ổn định hệ thống; Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường trách nhiệm cần được đẩy mạnh để nâng cao hơn nữa lòng tin của xã hội, tránh những thông tin sai lệnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành.
Tóm lại, để điều hành chính sách tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế trong năm 2014 một cách hiệu quả, cần phải triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao giá trị đồng VND.
Diệu Hoa (tổng hợp)