Những thay đổi về bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2025

Năm 2025, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, đang có đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75%.

Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp thế nào?

Theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo công thức sau:

Trợ cấp thất nghiệp/tháng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Trong đó: Mức trợ cấp thất nghiệp bị giới hạn mức tối đa như sau:

- Người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng = 5 x Lương cơ sở = 5 x 1,49 triệu đồng = 7,45 triệu đồng/tháng

- Người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường:

Mức hưởng tối đa/tháng = 5 x Mức lương tối thiểu vùng

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 58 Luật Việc làm năm 2013, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của người đó.

Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bị giới hạn ở mức sau:

- Người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất = 20 tháng lương cơ sở

- Người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường:

Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất = 20 tháng lương tối thiểu vùng

Những thay đổi về bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2025 - Ảnh 1

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người đó. Cụ thể:

- Cứ đóng đủ 12 đến 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

- Cứ đóng đủ thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp

- Tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa: Không quá 12 tháng.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng mà có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó sẽ được bảo lưu để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng hưởng.

Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết vừa nhận được kiến ​​nghị của cử tri các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận và An Giang đề nghị nghiên cứu tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức lương hưu tối đa). Qua đó, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có mức sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp; hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo cử tri, hiện mức hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Phản hồi cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam nói chung, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước, có điều kiện tương đồng với Việt Nam, và thực hiện thành công chính sách này như: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines…

Đồng thời, cũng thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% tiền lương tối thiểu theo quy định.

Mặt khác, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng trợ cấp thất nghiệp là chế độ ngắn hạn, hỗ trợ chỉ một phần thu nhập cho người lao động, giảm khó khăn khi công việc tạm thời bị mất.

Vì vậy, quy định như dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ngoài đảm bảo kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, còn nhằm thúc đẩy người lao động chủ động, nhanh chóng tìm kiếm công việc mới, thay vì chỉ dựa vào trợ cấp thất nghiệp.

Những thay đổi về bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2025 - Ảnh 2

Đồng thời, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định tăng cường hỗ trợ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế thất nghiệp.

Trường hợp nào không được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Việc làm sửa đổi với một số điều chỉnh về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng hiện Luật Việc làm sửa đổi vẫn chưa xây dựng hoàn tất nên điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2025 vẫn được áp dụng theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013.

Theo đó, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 4 điều kiện sau.

Thứ nhất, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Nhưng có 2 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thứ 2, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp ký hợp đồng không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn.

Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.

Thứ 3, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Thứ 4, sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chưa tìm được việc làm mới.

Tuy nhiên, có 6 trường hợp người lao động không tìm được việc làm mới nhưng vẫn không được nhận trợ cấp thất nghiệp là: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Minh Anh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục