Những nỗ lực của Việt Nam để minh bạch tài khóa

(Kinhdoanhnet) - Việt Nam đang đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc minh bạch tài khóa. Tuy nhiên để vấn đề minh bạch tài khóa trở nên đồng bộ Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm đặc biệt là việc minh bạch tài chính ở địa phương.

Công khai thông tin tài khóa nhiều hơn ra công chúng

So với cuối thập kỷ 90 - thời điểm các văn bản ngân sách vẫn được coi là bí mật Nhà nước thì hiện nay nước ta đã có những bước tiến dài trong việc minh bạch hóa tài khóa. Nhiều dữ liệu ngân sách đã được công khai ra công chúng như 4 báo cáo bao gồm: Báo cáo ngân sách được phê duyệt, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách hàng quý, báo cáo tài chính cuối năm, và báo cáo kiểm toán bên ngoài.

Bộ cũng đã công bố Bản tin Nợ 2 lần/năm, bao gồm nợ nước ngoài và nợ do Chính phủ bảo lãnh, sắp tới sẽ bao gồm cả nợ trong nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì công bố bản tin đấu thầu hàng ngày, trong đó báo cáo về các gói thầu được trao trị giá trên 2 tỷ đồng.

WB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch tài khóa thể hiện qua khả năng tiếp cận thông tin về các hoạt động tài khóa đáng tin cậy, toàn diện, kịp thời, dễ hiểu và có thể so sánh quốc tế sẽ thúc đẩy kỷ luật tài khóa.

Việc thiếu minh bạch có thể giúp chính phủ đạt được những mục tiêu thâm hụt trong ngắn hạn, nhưng điều đó không làm giảm chi phí tài khóa trong trung và dài hạn.

Những nỗ lực của Việt Nam để minh bạch tài khóa - Ảnh 1
Thiếu minh bạch tài khóa sẽ gây ra sự thâm hụt ngân sách trong trung và dài hạn

Vấn đề minh bạch tài khóa ở cấp địa phương

Theo nhận định của WB thì vấn đề minh bạch ngân sách ở cấp địa phương còn yếu và vấn đề minh bạch ở của ngân sách xã còn thấp. Kết quả PAPI dựa trên thực tế là chỉ 30% đối tượng khảo sát trả lời là có nhận biết về ngân sách xã, cho dù công khai ra sao. Trong số những người có nhận biết, chỉ 38% có đọc tài liệu, và trong số những người có đọc tài liệu, khoảng 2/3 cho rằng tài liệu thể hiện chính xác. Điều này cho thấy chỉ có 8 trong số 100 người trả lời được biết, được đọc và tin tưởng vào ngân sách xã.

Vấn đề hiện nay là còn có nhiều hoạt động hiện đang nằm ngoài vấn đề tài khóa cốt lõi - bao gồm các quỹ ngoài ngân sách, chi đầu tư ngoài ngân sách, và doanh nghiệp Nhà nước. Những hoạt động này có những tác động tài khóa quan trọng song lại chưa đưa vào phân tích ngân sách tổng thể. Việc chưa đưa những hoạt động đó vào phân tích ngân sách tổng thể có thể gây méo mó đến các quyết định chính sách tài khóa và gây hạn chế về khả năng tiếp cận của công chúng đến phạm vi đầy đủ về thâm hụt tài khóa, gánh nặng thuế... – WB cảnh báo.

Giải pháp vấn đề minh bạch hóa ngân sách ở địa phương

Hiện nay trong dư luận đang xôn xao việc có quá nhiều các loại phí và lệ phí được thu một cách bừa bãi ở các địa phương.  Ở một số vùng nông thôn người dân phải đóng chồng chéo cùng một loại phí 2 lần hay có nhiều khoản thu vốn đã bỏ từ lâu nhưng địa phương vẫn thu. Mặc dù thu nhiều như vậy nhưng chính quyền địa phương lại không hề thông báo cho người dân về tình hình chi tiêu những khoản thu vốn là mồ hôi nước mắt của người dân.

Trước tình hình trên bộ tài chính cũng đã có công văn xuống địa phương nhằm rà soát lại danh mục phí và lệ phí hiện nay. Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành và địa phương rà soát, bãi bỏ hơn 340 khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định, tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Bộ cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương tích cực rà soát tình hình chấp hành pháp luật về phí, lệ phí, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh. Nhiều khoản phí, lệ phí được ban hành không đúng thẩm quyền đã được các địa phương bãi bỏ, đồng thời thực hiện miễn, giảm phí đúng quy định.

Đồng thời các địa phương cũng cần hoàn thành cơ chế thu chi ngân sách ở xã và công khai với người dân để nười dân được biết và tham gia vào việc xây dựng cơ chế này.

NQ (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục