Theo đó, nhiều người sử dụng cam, bưởi kèm với kháng sinh với lý do: chống háo nước cho cơ thể. Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, PGS.TS. Dược sĩ Nguyễn Phương Dung, Đại học Y dược TP HCM cho rằng: khoảng 20 năm về trước, thuốc kháng sinh thường được sử dụng với vitamin C như cam, bưởi... vì người ta cho rằng kháng sinh thì diệt được vi khuẩn còn vitamin C thì tăng sức đề kháng. Nhưng ngày nay, khoa học chỉ ra rằng quan niệm này không còn đúng nữa, đặc biệt là với những loại kháng sinh không bền trong môi trường axit (có tính chua) như: penicilin, ampicilin, amoxycilin, augmentin, unacyl, cloxacylin, oxacili....
Khi dùng thuốc kháng sinh người bệnh cần tránh xa vitamin C, sữa, các chế phẩm từ sữa…
Khi uống kèm kháng sinh với vitamin C sẽ làm biến tính kháng sinh, mất hiệu quả điều trị. Như vậy là nó không những không diệt được vi khuẩn gây bệnh mà còn làm cho vi khuẩn đề kháng với kháng sinh.
Bên cạnh đó, nhiều dược sĩ cho rằng không nên uống rượu cùng thuốc kháng sinh. Bởi dù rượu không can thiệp bất lợi trực tiếp vào việc uống thuốc kháng sinh nhưng thuốc kháng sinh và rượu có thể có tác dụng phụ tương tự nhau. Vì thế, nếu bạn uống cả hai cùng một lúc, chúng có thể gia tăng cơ hội bạn phải chịu trận với những nguy cơ buồn nôn, chóng mặt hoặc buồn ngủ... Chưa kể, một số loại thuốc kháng sinh như tinidazole, metronidazole và-sulfamethoxazole trimethoprim có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng nếu uống cùng với rượu.
PGS.TS. Dược sĩ Nguyễn Phương Dung cho biết thêm, việc kết hợp uống thuốc kháng sinh với sữa, sữa chua nước, nước ngọt, nước có ga, nước canh... có thể tạo kết tủa, giảm sự hấp thụ thuốc. Riêng các loại nước có ga sẽ làm tăng mức độ ảnh hưởng đến dạ dày của thuốc. Chính vì vậy, an toàn nhất vẫn là uống thuốc với nước lọc.
Với thuốc dạng siro, người bệnh không nên uống trực tiếp từ chai vì dễ khiến thuốc nhiễm khuẩn cũng như liều lượng uống không chính xác; với thuốc dạng viên, không nên nghiền nhỏ vì một số loại thuốc được bào chế dưới dạng hấp thụ từ từ và nếu bạn nghiền nhỏ, thuốc sẽ hấp thụ liền lúc, có thể gây nguy hiểm.
Thời gian uống thuốc cũng cần chia đều, tránh tình trạng lần thì uống gần nhau quá, lần thì xa nhau quá khiến hiệu quả điều trị bị suy giảm. Thực tế, một số người còn có thói quen uống thuốc khô (uống thuốc không cần nước). Việc này không chỉ làm tổn thương thực quản mà còn khiến quá trình hấp thu thuốc bị đẩy lùi.
Đặc biệt, nên lưu ý có những loại thuốc kháng sinh chỉ nên dùng khi đói. Bởi những loại thuốc kháng sinh này không chịu tương tác tốt với bất kỳ thực phẩm nào. Vì thế, khi kê toa thuốc cho bạn, các bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ khuyên bạn nên uống thuốc khi đói trên một dạ dày trống rỗng. Những loại thuốc này có thể điểm mặt bao gồm: penicillin G, ampicillin, floxin, Oxacillin, Gentamycin và ciprofloxacin. Khi uống những loại thuốc này, bạn có thể phải ăn/uống các thực phẩm 3 giờ trước/sau khi uống thuốc.
Dương Yến (Theo Sức khỏe cộng đồng, Báo Giao thông)