Gần đây ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc người dân “nhẹ dạ cả tin” cho mượn sổ đỏ sau đó bị chiếm đoạt tài sản tại các địa phương trong cả nước. Điều đáng nói là những vụ việc này xảy ra trong tình huống cho người thân quen mượn sổ đỏ hoặc đưa sổ đỏ cho cò ngân hàng để nhờ vay vốn.
Mới đây nhất là vụ việc của gia đình anh Lê Xuân Thắng trú tại phường La Khê, quận Hà Đông. Cụ thể do anh Thắng đang cần tiền để sửa chữa lại căn nhà của gia đình nên anh đã tới ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để làm thủ tục vay tiền có thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên khi tới nơi nhân viên ngân hàng tại đây đã không chấp thuận cho anh Thắng vay tiền, sau đó nhân viên ngân hàng này đã hướng dẫn cho anh cách vay tiền khác.
Những lùm xùm xung quanh vụ khách hàng Techcombank bị lừa “sổ đỏ”.
Theo đó nhân viên này chỉ cho anh Thắng cách dùng sổ đỏ của gia đình đem đi góp vốn vào Công ty đầu tư và XNK Phúc Khang có trụ sở tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội sau đó lấy tư cách của doanh nghiệp để vay vốn. Những người này tiếp tục giới thiệu để anh Thắng gặp gỡ ban lãnh đạo công ty Phúc Khang.
Vì nhẹ dạ cả tin anh đã thực hiện theo đúng cái bẫy có sẵn đã được đặt ra cho mình. Sau khi góp vốn ngay lập tức anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Phúc Khang. Tuy nhiên kèm theo đó gia đình anh Thắng lại phải ký hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh cho công ty này vay tiền của Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Được biết mảnh đất mà anh Lê Xuân Thắng mang đi góp vốn có diện tích gần 900m2, nằm ngay trên mặt được Lê Văn Lương kéo dài, hiện mảnh đất này theo đánh giá trên thị trường đang có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Theo sự hướng dẫn bà Nguyễn Thị Tố, mẹ đẻ của anh Thắng đã đồng ý ký hợp đồng bảo lãnh vay vốn cho Công ty Phúc Khang với tài sản thế chấp là mảnh đất của gia đình nêu trên. Ngay sau đó Chủ tịch công ty này đã đưa cho anh Thắng vay số tiền 300 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.
Cứ ngỡ rằng mình gặp may mắn vì vừa có chức vụ cao trong công ty lại có tiền để sửa chữa nhà anh Thắng vui mừng ra mặt. Tuy nhiên niềm vui này chưa được bao lâu thì gia đình anh lại "chết điếng người" khi hay tin Công ty Phúc Khang đã sử dụng tài sản của gia đình để vay một khoản tiền hơn 2 tỷ đồng tại Ngân hàng Techcombank. Lúc này anh mới tá hỏa và đọc lại hợp đồng và biết mình bị lừa.
Phát hiện ra sự việc này anh Thắng đã đến ngân hàng làm đơn trình báo sự việc trên và yêu cầu ngân hàng ngừng cho Công ty Phúc Khang vay tiền, đồng thời yêu cầu hủy hợp đồng và đòi lại tài sản thế chấp. Tuy nhiên nhân viên ngân hàng cho việc việc hủy hợp đồng và đòi lại tài sản thế chấp của gia đình anh không thực hiện được, khi nào công ty Phúc Khang trả hết khoản nợ hơn 2 tỷ đồng nói trên gia đình anh mới được giải chấp tài sản.
Khi tiến hành định giá tài sản, mảnh đất gần 900m2 của gia đình Lê Xuân Thắng được định giá được gần 20 tỷ đồng. Nếu cho vay theo mức 70% giá trị thế chấp thì bên được bảo lãnh có thể được vay đến 14 tỷ đồng.
Nếu như công ty Phúc Khang không chịu trả khoản nợ này thì tương lai mảnh đất này sẽ thuộc về tay ngân hàng mà không cách nào lấy lại được.
Cạm bẫy mà gia đình anh Thắng mắc phải không phải là chuyện xa lạ đối với nhân viên ngân hàng, nhưng điều đáng nói ở đây là tại sao biết được hậu quả xấu sẽ có thể xảy ra với khách hàng nhưng trong trường hợp này nhân viên ngân hàng Techcombank lại không hề cung cấp bất kỳ thông tin cảnh báo nào cho khách hàng phòng tránh.
Trong vụ việc này hiện vẫn đang còn xuất hiện khá nhiều nghi vấn, liệu rằng có mối liên hệ nào giữa nhân viên ngân hàng và những người liên quan trong vụ việc?
Báo Kinh Doanh & Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các kỳ sau!
Minh Anh