Những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2021

Chứng khoán, vàng, bất động sản... là những kênh có thể mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư trong năm 2021.

Những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2021 - Ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang bối rối không biết nên đổ tiền vào kênh nào để sinh lời trong năm 2021. Tuy nhiên, hiện vẫn có những kênh có thể mang lại lợi nhuận tốt cho NĐT trong năm nay nếu lựa chọn đúng.

Chứng khoán hưởng lợi

Tính đến cuối năm 2020, có hơn 2,77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐT trong và ngoài nước. Đây là số lượng tài khoản giao dịch cao nhất trong vòng hai thập niên qua. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 trở thành một trong những kênh thu hút nhiều NĐT F0 (mới gia nhập thị trường) và số lượng NĐT thành công từ thị trường này cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Giải thích về hiện tượng này, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: Khi cả thế giới đang đánh vật với dịch COVID-19 thì trong một chừng mực nào đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn làm ăn được. Một khi các nhà kinh doanh vẫn “thở đều” trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên chứng khoán tràn ngập màu xanh là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, vào những tháng cuối năm ngoái, một lượng vốn lớn từ các NĐT nước ngoài đổ vào cũng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được hưởng lợi.

Trong bối cảnh đó, ngay cả những cổ phiếu bết bát nhất mà từ trước đến giờ không được mấy ai quan tâm cũng ghi nhận tăng giá. “Xu hướng này có thể duy trì được thêm một thời gian nữa, ít nhất là đến giữa năm nay, khi mà dịch COVID-19 có thể được kiểm soát tốt hơn” - ông Minh nhận định.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện ở mức thấp và được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm trong năm 2021. Khi lãi suất giảm sẽ khiến một phần không nhỏ dòng tiền tiết kiệm đổ vào kênh chứng khoán. Tuy vậy, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, cho rằng trong năm 2020, thị trường chứng khoán Việt tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu là cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ, y tế, sức khỏe… Trong khi đó những ngành khác như hàng không, du lịch vẫn gặp khó khăn.

“Cần phải lưu ý NĐT mua cổ phiếu tức là mua tương lai, không phải mua hiện tại. Trong thời gian tới, khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi hơn, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, kinh tế giao thương quốc tế hoạt động trở lại… thì những cổ phiếu thuộc nhóm ngành vốn gặp khó khăn trong năm ngoái như dầu khí, vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn có thể lại tiềm năng trong năm 2021. Do đó, NĐT trong nước có thể tìm hiểu về những cổ phiếu thuộc nhóm ngành này” - ông Khánh nêu quan điểm.

Vàng, bất động sản: Nhiều bất ngờ

TS Huỳnh Trung Minh nhận định không ít NĐT khi kiếm được lợi nhuận như kỳ vọng ở thị trường chứng khoán ngay lập tức sẽ rút bớt vốn, đổ sang phân khúc bất động sản (BĐS) để tránh rủi ro khi dồn hết trứng vào một giỏ. Vì vậy BĐS đất nền và nhà phố vẫn là sản phẩm thu hút sự quan tâm của các NĐT. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì BĐS công nghiệp và BĐS nhà phố cho thuê sẽ sôi động trở lại.

 Đối với phân khúc đất nền có mức giá giao dịch dưới 10 tỉ đồng sẽ vẫn thu hút được sự quan tâm của các NĐT, trong khi đó những sản phẩm có mức giá cao thì gần như khó giao dịch. Đặc biệt, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí có hạ tầng tốt… sẽ phát triển vượt bậc.

Bên cạnh BĐS, vàng vẫn là kênh được nhiều người quan tâm. Tính chung trong năm ngoái, giá vàng đã tăng khoảng 24% và kim loại quý này được dự báo sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2021. Bởi dù kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi trở lại khi vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi nhưng nhiều quốc gia vẫn tiếp tục tung ra các gói kích cầu với quy mô lớn chưa từng có để phục hồi kinh tế sẽ tạo áp lực gia tăng lạm phát, biến vàng thành kênh trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, chuyên gia Phan Dũng Khánh lưu ý: “Nếu đầu tư vàng thì NĐT nên giữ vàng trong trung và dài hạn chứ không nên lướt sóng. Bởi lướt sóng thì gần như đối mặt với hậu quả nhiều hơn hiệu quả”. TS Huỳnh Trung Minh thì cảnh báo thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông với nhau.

 “Độ chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước luôn cách xa nhau. Có thời điểm mức chênh lệch lên đến 5 triệu đồng/lượng. Điều này khiến cho NĐT mua giá ở vùng đỉnh rất khó tìm kiếm cơ hội chốt lời. Chính vì vậy, đầu tư vào vàng có khi không hiệu quả” - ông Minh nói.

Gửi tiết kiệm: Lãi thấp nhưng an toàn

Hiện lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Lãi suất huy động cao nhất tại một số ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 5,6%/năm, thậm chí lãi suất huy động dưới ba tháng chỉ còn trên dưới 3%/năm. Không chỉ vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Lẽ đương nhiên, để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất huy động, tức lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Lãi suất huy động càng giảm thì tính hấp dẫn của kênh đầu tư này cũng hạ nhiệt theo. Trong bối cảnh này, ngay cả trái phiếu DN cũng mang lại cơ hội sinh lời tốt hơn so với gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng với những ai không có nhiều sự lựa chọn để đầu tư do vốn ít hoặc thích an toàn thì kênh tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn tốt. Riêng về đầu tư USD không phải là lựa chọn tốt vì tỉ giá trong nước khá ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đó là chưa kể lãi suất huy động USD vẫn ở mức 0%, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền đồng. Như vậy, đây là kênh đầu tư ít hấp dẫn nhất trong năm 2021.

Ông Phan Dũng Khánh lưu ý thêm, trên thực tế có rất nhiều NĐT vẫn lao vào thị trường Forex (nơi giao dịch, đầu tư, mua bán các loại ngoại tệ trên thế giới). Đây là kênh đầu tư hiện chưa được luật pháp Việt Nam thừa nhận. Các sàn giao dịch mở tại thị trường Việt Nam là trái pháp luật, nếu ai đổ tiền vào kênh này thì khi có rủi ro xảy ra, quyền lợi không được đảm bảo pháp lý.

Bùng nổ nhà đầu tư F0

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), dịch bệnh bùng nổ khiến số tài khoản mở mới tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, các NĐT F0 đã làm thay đổi cục diện của thị trường.

Năm 2020 đã có gần 400.000 tài khoản F0 mới mở, tăng 75% so với năm 2019. Điều này cũng lý giải cho sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thanh khoản của thị trường có lúc đạt 1 tỉ USD.

Lãi suất thấp cùng với nền kinh tế vĩ mô ổn định đang hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó NĐT kiếm tiền tỉ từ tăng giá cổ phiếu. Tuy vậy, nỗi lo bong bóng chứng khoán một khi vỡ sẽ gây ra cuộc mất mát tài sản cho những NĐT cá nhân lần đầu tiên tham gia vào thị trường.

Theo PL TPHCM
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục