Nhiều cổ phiếu từ đầu năm tới nay đã tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm.
Từ đầu năm 2021 đến nay thị trường chứng khoán chứng kiến khá nhiều biến động. Đặc biệt, VnIndex đã vượt qua ngưỡng kháng cự 1.200 điểm, nhiều mã chứng khoán cũng bứt phá theo.
Đáng chú ý, bất chấp những biến động của thị trường, vẫn có rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm.
Cái tên để lại nhiều dấu ấn nhất: RIC của Quốc tế Hoàng Gia
Nhà đầu tư cũng hẳn chưa thể quên được dấu ấn cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia để lại. Đang duy trì giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu suốt một thời gian dài, đầu năm 2021 đến nay RIC bất ngờ tăng mạnh với chuỗi 34 phiên tăng trần liên tiếp từ 11/1/2021 đến 4/3/2021 với mức giá tăng từ 5.000 đồng/cổ phiếu lên trên 46.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn gấp 9 lần từ đầu năm.
Đáng chú ý, RIC tăng mà không một nguyên nhân nào hỗ trợ, kể cả kết quả kinh doanh. Năm 2020 RIC đạt gần 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỷ đồng – cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2020 lên gần 310 tỷ đồng. RIC được biết đến là đơn vị quản lý tổ hợp các khách sạn tại Thành phố Hạ Long, quản lý khu Casino và một số khu vui chơi.
Đáng chú ý, sau chuỗi dài tăng trần, RIC lại rơi vào chuỗi dài giảm sàn 14 trong tổng số 15 phiên giao dịch liên tiếp, đưa cổ phiếu giảm 2/3, xuống còn gần 15.800 đồng/cổ phiếu.
Nói RIC mang lại chuỗi ngày đầu tư đầy cảm xúc nhất từ đầu năm 2021 đến nay không hề sai. Sau chuỗi tăng sốc, giảm sâu, RIC lại bắt đầu hành trình tăng mạnh với 7 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau đó. Hiện RIC đã tăng trở lại lên vùng giá 25.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng tăng gấp 5 lần từ đầu năm 2021 đến nay.
Cổ phiếu SPI đã tăng gấp 11 lần
Cổ phiếu SPI của CTCP Đá Spilit đã tăng gấp 11 lần từ đầu năm 2021 đến nay. Đang duy trì mức giá dưới 2.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian dài, SPI bất ngờ có nhiều phiên tăng trần từ những ngày đầu năm 2021. Và chỉ 3 tháng sau đó SPI đã vượt lên trên mệnh giá (phiên giao dịch ngày 26/3/2021).
Chỉ tính riêng 10 phiên giao dịch gần đây nhất SPI đã có 7 phiên tăng trần và 2 phiên đóng cửa ở giá tham chiếu và 1 phiên tăng điểm. Hiện SPI giao dịch quanh mức 19.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản khá tốt với hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
SPI được thành lập từ tháng 4/2009, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại màu và khoáng sản.
Nếu soi kết quả kinh doanh, năm 2020 SPI thậm chí lỗ lớn. Doanh thu đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2019. Tuy vậy chi phí cao dẫn đến khoản lỗ 15,5 tỷ đồng trong năm, trong khi năm 2019 vẫn ghi nhận lãi vài trăm triệu đồng.
Cổ phiếu RGC tăng gấp 7 lần từ đầu năm
Cổ phiếu RGC của CTCP PV Inconess lại có chu kỳ tăng sốc, không "tịnh tiến" như SPI. Từ đầu năm 2021 đến nay RGC cũng đã tăng gấp 7 lần, tuy nhiên chỉ bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 3.
RGC mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 ở mức 3.600 đồng/cổ phiếu và vẫn duy trì giá dưới 4.000 đồng. RGC bắt đầu tăng từ đầu tháng 3, đánh dấu bằng những chuỗi mấy phiên tăng trần. Gần đây nhất, RGC có 5 phiên tăng trần, hiện giao dịch quanh mức 24.700 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu RGC trong 3 tháng gần đây.
Xét kết quả kinh doanh, PV Inconess thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Năm 2020 công ty lỗ 16,8 tỷ đồng, còn năm 2019 lỗ 18,5 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2020 lên đến hơn 146 tỷ đồng.
Cả ART và FLC đều tăng gấp đôi, gấp 3 từ đầu năm
Chứng khoán BOSS (mã chứng khoán ART) cũng đã có biên độ giao động giá khá phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay. Trước đó ART đã duy trì hơn 1 năm ở vùng giá dưới 4.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí một thời gian dài giao dịch dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.
ART mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 ở mức 3.300 đồng/cổ phiếu và có rất nhiều biến động giá trong tháng 1 với 10 phiên tăng trần, đưa giá lên cao nhất hơn gấp đôi ở mức 7.700 đồng/cổ phiếu. Và ngay sau đó cùng đã kịp giảm sàn một chuỗi phiên liên tiếp, kết thúc tháng 1 ở mức 4.700 đồng/cổ phiếu.
Nguyên tháng 2 và nửa đầu tháng 3 ART tăng rất nhẹ, rất đều, cho đến khi nhà đầu tư bắt đầu chú ý vào cuối tháng 3, thì ART liên tục có những phiên tăng trần, đưa cổ phiếu lên cao nhất ở mức 11.700 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng tăng gấp 3,5 lần so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản rất lớn với hàng triệu đến hàng chục triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Kế hoạch sắp tới, Chứng khoán BOSS dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Số tiền thu được sẽ dùng cho các sự án mà BOSS đang dự kiến đầu tư.
Diễn biến giá cổ phiếu ART trong 3 tháng gần đây.
Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC cũng tăng mạnh từ đầu năm 2020, từ vùng giá 4.600 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên 12.200 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng tăng 165% trong vòng hơn 3 tháng.
FLC đã kết thúc năm 2020 với doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất hơn 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. Nếu kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, thì so với 2020, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 của FLC tăng gấp gần 3 lần, mục tiêu doanh thu 15.000 tỷ tăng nhẹ so với năm 2020 dù không bao gồm doanh thu từ Bamboo Airways.
Diễn biến giá cổ phiếu FLC trong 3 tháng gần đây.
Cổ phiếu KBC của Kinh Bắc City
Ngành bất động sản khu công nghiệp là một trong những ngành có sự tăng trưởng trong năm 2020 nhờ kỳ vọng vào sự dịch chuyển sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành bất động sản khu công nghiệp cũng vì thế thăng hoa.
Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City) đạt mức tăng khoảng 59% kể từ đầu năm 2021 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 38.800 đồng/cổ phiếu.
Hỗ trợ cho sự bứt phá của cổ phiếu KBC không phải là kết quả kinh doanh. Năm 2020 công ty đạt 2.154 tỷ đồng doanh thu, giảm 33% so với năm 2019. Còn lãi sau thuế đạt gần 300 tỷ đồng, giảm 71% so với năm 2019.
Tuy nhiên, Kinh Bắc City lại đang triển khai loạt dự án trọng điểm năm 2021 và thành lập công ty vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng (trong đó Kinh Bắc City góp 60% tương ứng 1.080 tỷ đồng) để đầu tư vào dự án quần thể công nghiệp đô thị ở Hưng Yên.
Loạt cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm
Một cái tên cũng đáng được nhắc tới là cổ phiếu KDM của Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị dân cư mới (KDM Holdings). Cổ phiếu này lên giao dịch trên Uôcm từ cuối tháng 3/20216. Trong nhiều năm trở lại đây cổ phiếu này luôn duy trì giao dịch dưới mệnh giá.
KDM bắt đầu tăng gấp 4 lần từ đầu năm 2021 đến nay, từ vùng giá 2.400 đồng/cổ phiếu lên 9.800 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Thanh khoản thị trường cũng khá ổn định với hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Loạt cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay còn phải kể đến như L45 của CTCP Lilama 45.1, như VNB của CTCP Sách Việt Nam, như cổ phiếu CAP của Nông sản thực phẩm Yên Bái, như KTT của Tập đoàn đầu tư KTT (tên cũ là Xây lắp điện Thiên Trường); như BII của Công nghiệp Bảo Thư, như BUD của CTCP Khoa học vè công nghệ Việt Nam, như cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên, LHC của Thủy Lợi Lâm Đồng, PGT của PGT Holdings, NRC của Tập đoàn Danh Khôi, SGT của Sài Gòn Tel, ngành dệt may còn có GMC của Garmex tăng 78% từ đầu năm 2021. Cổ phiếu HTP của In Sách Giáo khoa Hòa Phát...
Thị trường chứng khoán giai đoạn đầu năm 2021 đã rung lắc với biên độ mạnh, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng vẫn khá tích cực trong năm. Dòng tiền từ các nhà đầu tư mới - nhà đầu tư F0 đang liên tục đổ vào thị trường.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết