Những chính sách về kinh tế nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/7

Tăng mức lương tối thiểu vùng; điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí, sử dụng hóa đơn điện tử… là một trong số những chính sách về kinh tế nổi bật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Tăng mức lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định 38/2022 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

Nhiều chính sách về kinh tế nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/7. Ảnh minh họa
Nhiều chính sách về kinh tế nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/7. Ảnh minh họa

Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (Hiện nay là 4.420.000 đồng/tháng); Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.920.000 đồng/tháng); Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.430.000 đồng/tháng); Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.070.000 đồng/tháng).

Về lương tối thiểu vùng theo giờ, Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp

Nhằm triển khai Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ngày 29/6/2021, bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.

Từ ngày 1/7, bộ Công an sẽ bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân.

So với mẫu hiện hành, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến. Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn..., góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam.

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả.

Sử dụng hóa đơn điện tử

Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này (cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022) đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:

Trước ngày 1/7/2022: Chỉ bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).

Từ 1/7/2022: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán,...

Bạch Hiền

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục