Những chính sách nổi bật về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2022

Từ tháng 9/2022, nhiều chính sách mới nổi bật như: cấm dùng xe limousine được cải tạo từ xe 16 chỗ để chở khách, hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ COVID-19,... sẽ có hiệu lực.

Gửi hàng xe khách phải cung cấp đủ 6 thông tin

Từ 1/9, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực.

Loạt chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2022. Ảnh minh họa
Loạt chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2022. Ảnh minh họa

Trong đó, bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin sau: Tên hàng hoá, Họ và tên, Địa chỉ, Số CMTND/CCCD, Số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận, Cân nặng của hàng hóa (không bắt buộc cung cấp).

Cấm dùng xe Limousine được cải tạo từ xe 16 chỗ để chở khách

Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, với nhiều quy định siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân không được sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (tính cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Với những xe limousine được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước 1/9 vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn. Còn những xe limousine được cải tạo từ sau 1/9 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.

Trên thực tế, để nâng cấp dịch vụ đón trả khách liên tỉnh, nhiều nhà xe đã cải tạo dòng Ford 16 chỗ cải tạo thành loại xe dưới 10 chỗ gọi là Limousine để chở khách.

Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ COVID-19

Để đảm bảo tiền hỗ trợ COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được chi trả đầy đủ và kịp thời đến tay những người lao động thuộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của COVID-19 theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.

Theo đó, Chính phủ được giao nhiệm vụ triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động với tổng số tiền là khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021.

Số tiền này sẽ được chi trả cho những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu, đồng thời đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng hạn trong năm 2021 mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo Nghị quyết 24, hạn cuối phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động được ấn định vào ngày 10/9/2022.

Giảm 50% phí khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo Thông tư 48/2022/TT-BTC, từ 17-9 tổ chức có nhu cầu khai thác thông tin không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin không phải của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải trả phí khai thác và sử dụng thông tin theo quy định.

Cụ thể, mức thu là 1.000 đồng/trường hợp thông tin khi xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01); Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02); Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03); Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04); Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05).

Tuy nhiên, theo điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 48/2022, trong thời gian ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, tổ chức, các nhân chỉ phải trả 50% mức phí nêu trên.

Bạch Hiền

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục