Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) đã trở thành doanh nghiệp sản xuất bao bì tự hủy lớn nhất Việt Nam và châu Á sau 17 năm thành lập.
An Phát được thành lập năm 2002 có vốn điều lệ ban đầu chỉ nửa tỷ đồng với mô hình TNHH sau đó tới tháng 3/2007 chuyển thành công ty cổ phần với vốn 30 tỷ đồng. Trải qua hơn 10 năm, tính tới hiện tại vốn điều lệ của An Phát là 1.712 tỷ đồng.
Hiện cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn An Phát Holdings sở hữu 46,6% vốn, đây là đơn vị do chính ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch của Nhựa An Phát làm Chủ tịch.
Cơ cấu cổ đông của AAA tính đến nay (Nguồn: HK tổng hợp)
Bên cạnh hoạt động chính là sản xuất bao bì màng mỏng cùng sản xuất và phân phối nguyên vật liệu ngành nhựa thì An Phát cũng kinh doanh cả hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ logistics.
Sản phẩm bao bì của An Phát có các mặt hàng như: bao bì đựng thực phẩm, túi rác, túi cuộn cao cấp chuyên dùng trong ngành thực phẩm; túi T-shirt, hàng Flat từ nguyên liệu nguyên sinh và tự hủy xuất khẩu đi Nhật Bản; túi draw-tape và draw-string xuất đi Mỹ…
Tính tới hết năm 2018, An Phát có 7 nhà máy sản xuất cung cấp 96.000 tấn bao bì màng mỏng/năm bao gồm các loại bao bì truyền thống từ PE và bao vi sinh phân hủy hoàn toàn. Hết năm 2018, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 44%, tiếp đó là Nhật Bản với 29% và châu Mỹ 19%.
An Phát đang có kế hoạch mở rộng hơn dòng sản phẩm tự huỷ tại thị trường nội địa. Cuối năm 2018, các sản phẩm túi tự huỷ, cốc giấy... của Công ty này đã lên kệ nhiều hệ thống siêu thị tuy nhiên để thay thế túi nylon truyền thống thì cần nhiều giải quyết nhiều vấn đề như cải tiến công nghệ để giảm giá thành, thay đổi nhận thức dùng sản phẩm của người tiêu dùng... Trong khi đó sử dụng túi tự hủy đã trở thành xu hướng ở nhiều nước phát triển trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường.
Còn với mảng phân phối nguyên vật liệu ngành nhựa chủ yếu là hạt nhựa nguyên sinh hiện trong nước chưa sản xuất được hay sản xuất với lượng rất hạn chế, chủ yếu nhập từ nước ngoài nên mảng thương mại này chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến động giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, CaCO3 cũng là một chất phụ gia quan trọng trong cơ cấu nguyên liệu sản xuất thì An Phát đã chủ động được nguồn này từ nhà máy trên Yên Bái chính thức hoạt động từ cuối năm 2010 và nâng công suất lên 220.000 tấn/năm vào năm 2017
Doanh thu tăng trưởng thần tốc trong khi lợi nhuận trồi sụt qua các năm
Kết quả kinh doanh của AAA qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
8 năm trở lại đây, An Phát ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ qua các năm nhờ mở rộng các nhà máy sản xuất giúp gia tăng sản lượng. Đặc biệt vào năm 2018, doanh thu của Công ty gần gấp 2 lần so với 2017 do đẩy mạnh công suất hai nhà máy số 6, 7 cùng nhà máy sản xuất hạt calbest và bột đá.
Trái ngược với tốc độ tăng trưởng doanh thu thì lợi nhuận của An Phát lại trồi sụt, không ổn định. Giai đoạn 2011 – 2015 ghi nhận lợi nhuận giảm tốc nhưng sang tới năm 2016 thì lợi nhuận lại gấp 3,5 lần năm 2015 và cao nhất kể từ khi thành lập nhờ xây dựng nhà máy số 6,7.
Lợi nhuận tiếp tục tăng tốc vào năm 2017 tuy nhiên sang tới năm 2018 lại giảm tới 19% dù doanh thu đột biến do sự đánh đổi của việc chiếm lĩnh thị trường nên An Phát đã chọn giữ giá bán ổn định cho khách hàng bất chấp giá nguyên vật liệu diễn biến khó lường.
Việc đẩy mạnh doanh thu, gia tăng sản lượng qua các năm để chiếm lĩnh thị trường đã khiến biên lợi nhuận gộp và biên ròng của An Phát giảm tốc dần. Đặc biệt năm 2018 khi doanh thu cán mốc kỷ lục thì biên lợi nhuận gộp của An Phát ghi nhận thấp nhất kể từ năm 2011.
Tuy nhiên lợi nhuận của An Phát tiếp tục cán mốc kỷ lục là 364 tỷ đồng chỉ sau nửa năm 2019 do tăng sản lượng bao bì nhờ thị trường Nhật Bản tăng trưởng tới 40% và châu Mỹ là 82% so với cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu nửa đầu năm của AAA (Nguồn: AAA)
Hết quý II, hoạt động sản xuất đóng góp khoảng 40% vào danh thu, thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất là 46% còn bán, cho thuê đất và nhà xưởng khu công nghiệp góp 13%.
Nợ ngân hàng tăng tốc, luôn vượt vốn chủ sở hữu
Đơn vị: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
Liên tục mở rộng sản xuất khiến hàng tồn kho cũng như khoản phải thu phần lớn là ngắn hạn của An Phát gia tăng đặc biệt từ năm 2016 đến nay. Hàng tồn kho tăng mạnh do diễn biến thất thường của giá xăng dầu dẫn tới biến động giá nguyên vật liệu nên Công ty phải linh hoạt các chính sách về mua, bán, dự trữ nguyên liệu để giảm thiểu ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, Công ty bắt đầu xuất hiện khoản phải thu về cho vay chủ yếu là các đơn vị liên quan. Tới ngày 30/6/2019, khoản phải thu về cho vay này lên tới 497 tỷ đồng bên cạnh khoản phải thu từ khách hàng cũng tăng đột biến gấp 1,9 lần so với đầu năm.
Quy mô tài sản của An Phát tăng mạnh 8 năm trở lại đây do tăng mạnh hàng tồn kho, khoản phải thu cùng nợ đi vay. Tại ngày 30/6/2019 tổng tài sản của An Phát là 8.351 tỷ đồng. Việc mở rộng nhà máy liên tục nhằm tăng doanh thu, chiếm lĩnh thị trường đã khiến khoản nợ đi vay của doanh nghiệp ngành càng phình to.
Hệ số nợ đi vay/vốn chủ sở hữu của An Phát từ năm 2015 đến nay luôn lớn hơn 1 thậm chí đạt 1,87 lần vào năm 2016.
Hết năm 2018, khoản nợ đi vay ngân hàng cùng trái phiếu của Công ty là 3.835 tỷ đồng và tới ngày 30/6 con số này lên tới 4.192 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ gấp 2 lần lên 1.712 tỷ đồng vào năm 2018 đã giúp hệ số nợ đi vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,46 lần năm 2017 xuống còn 1,29 lần năm 2018 và duy trì tỷ lệ này tại thời điểm 30/6/2019.
Hoàng Kiều