Nhóm nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn tại MBBank bất ngờ tăng vọt

Mặc dù lãi cả nghìn tỷ, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng, song "nợ xấu" cũng gây bất ngờ không kém tại MBBank. Đây cũng là câu chuyện chung của một số ngân hàng...

Tại thời điểm ngày 30/6/2019, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) ở MBBank có xu hướng tăng mạnh, trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) không có nhiều thay đổi.

Cụ thể, nhóm nợ nghi ngờ ở nhà băng này tăng 73% lên 1.380 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 19% lên 1.305 tỷ đồng. Hơn nữa, hai nhóm nợ này tại MBBank còn cao hơn hẳn một số ngân hàng khác.

Chẳng hạn, tại TPBank, nợ nhóm 3 tăng tới 64% lên 485 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi lên 468 tỷ đồng. Tại Sacombank, nợ nhóm 3 tăng 500 tỷ đồng và nợ nhóm 4 tăng 408 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tại Vietcombank ở mức 702 tỷ đồng. Một ngân hàng nhỏ Kienlongbank, nợ nhóm 4 tăng 125 tỷ đồng.

Nhóm nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn tại MBBank bất ngờ tăng vọt - Ảnh 1
BCKQ hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019.

Nhìn chung, xu hướng nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh cũng là cơ sở hình thành nợ xấu mới của các nhà băng.

Tại thời điểm ngày 31/3/2019, nợ xấu tại MBBank là 3.230 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,33% lên mức 1,41%. Song song với đó, ngân hàng cũng tăng khá mạnh cho chi phí hoạt động (27%), đạt 2.066 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả quý là 964,5 tỷ đồng, tăng 39%.

Trước đó, 9 tháng đầu năm 2018, nợ xấu của MBBank tăng vọt hơn 45% so với hồi đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ (tăng 67%) và nợ có khả năng mất vốn (tăng 62%) tăng mạnh. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 1.57% so với 1.2% hồi đầu năm.

Ðiều đáng quan ngại hơn là sự "lệch pha" giữa tốc độ tăng tín dụng và tốc độ thu nhập về lãi thuần. Ðiều này cho thấy, nhà băng đang có xu hướng đẩy tín dụng vào những phân khúc có biên lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, cần thận trọng về rủi ro như cho vay tiêu dùng, bất động sản…

Thực tế, việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Tại MBBank, cho vay khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 238.924 tỷ đồng còn thu nhập lãi thuần đạt 8.530 tỷ đồng.

Hay tại Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần đạt 17.078 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng thấp hơn đáng kể, đạt 14,7%.

Nhóm nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn tại MBBank bất ngờ tăng vọt - Ảnh 2
Nhóm nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn tại MBBank bất ngờ tăng vọt - Ảnh 3
BCKQ hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019.

Dù lợi nhuận ấn tượng song nợ xấu vẫn là chỉ số được thị trường quan tâm hàng đầu để đánh giá về hiệu quả hoạt động của một nhà băng.

Mặc dù MBBank đã có nhiều kết quả tích cực trong công cuộc xử lý nợ xấu, nhưng "bóng ma" nợ xấu vẫn còn ám ảnh và nỗi lo phát sinh nợ xấu mới vẫn luôn trực chờ.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục