Nhóm doanh nghiệp nào hưởng lợi khi USD mạnh hơn?

Doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao sẽ hưởng lợi lớn khi USD mạnh hơn, còn nhóm doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực.

USD tăng giá mạnh là yếu tố lớn nhất tạo nên áp lực mất giá đối với nhiều loại tiền tệ trên thế giới, bao gồm VND, trong vài tháng qua. Sự tương quan này thể hiện rõ trong tháng 9, VND mất giá mạnh khi đồng USD tăng giá trở lại.

Chỉ số USD Index là yếu tố rủi ro

Một báo cáo gần đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định biến động của đồng USD mà ở đây được đo lường bằng chỉ số USD Index (DXY) sẽ là yếu tố rủi ro mà thị trường cần quan sát. Các chuyên gia phân tích ở đây dự báo rằng NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ trong trường hợp DXY mạnh lên về mức 110 điểm như cuối năm ngoái. 

Thông thường chỉ số DXY sẽ mạnh lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, biến động cung cầu của các đồng tiền khác, tình hình kinh tế, địa chính trị hay tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. 

Nhóm doanh nghiệp nào hưởng lợi khi USD mạnh hơn? - Ảnh 1

Kể từ cuối tháng 7, chỉ số DXY đã bắt đầu tăng trở lại sau khi Fed tiếp tục nâng lãi suất và cảnh báo sẽ thắt chặt trong thời gian dài hơn cũng như việc lợi suất trái phiếu lên đỉnh trong 16 năm. DXY hiện đang ở ngưỡng khoảng 106 điểm, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. 

Theo CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) khi lạm phát  Mỹ tăng lên, Fed sẽ tăng lãi suất để kiềm chế, thúc đẩy các nhà đầu tư theo đuổi những khoản đầu tư bằng USD để thu nhiều lợi nhuận hơn. 

Kết quả là nhu cầu đối với USD tăng mạnh, kéo theo chỉ số DXY, khiến VND giảm giá so với USD. Kết quả là áp lực về tỷ giá tăng, khiến NHNN cần phải can thiệp chính sách tiền tệ để điều hành tỷ giá.

Nhóm doanh nghiệp thuỷ sản, dầu khí, gạo sẽ hưởng lợi

Nhóm phân tích của BSC nhận định nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu  cao, nhập khẩu  thấp sẽ hưởng lợi nhiều khi đồng bạc xanh mạnh lên. Trong khi đó, những nhóm doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc thị trường xuất khẩu có tỷ giá sụt giảm mạnh sẽ chịu tác động tiêu cực.

BSC đánh giá rằng nhóm doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như thủy sản, hóa chất, dầu khí, phân bón, gạo, dệt may hay săm lốp sẽ hưởng lợi khi tỷ giá tăng lên. Ngành sắt thép, nhựa nhận được đánh giá trung lập. Trong khi đó, ngành công nghệ được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Những ngành với tỷ trọng xuất khẩu cao như thủy sản (81%), hóa chất (62%), dệt may (82%), săm lốp (56%) nhận được đánh giá tích cực khi có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn do chênh lệch tỷ giá. Khi USD mạnh lên, doanh nghiệp xuất khẩu thu về đồng tiền này có thể đổi được nhiều nội tệ hơn, hỗ trợ cho doanh thu, lợi nhuận.

Do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, nhóm doanh nghiệp sắt thép và nhựa chịu ảnh hưởng trung lập. Tỷ giá tăng sẽ khiến nguồn nguyên liệu nhập khẩu đắt đỏ hơn, tác động tới chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong đó, các nhà phân tích của BSC nhận định rằng CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ chịu tác động tiêu cực khi có tỷ trọng xuất khẩu/tổng sản lượng ở mức 20%. Ngoài ra, 70% nguyên liệu của công ty là nhập khẩu, khiến chi phí đầu vào tăng khi đồng USD mạnh lên. CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) nhận được dự báo trung lập do tỷ trọng xuất khẩu khá cao. 

Với nhóm doanh nghiệp ngành nhựa, các nhà phân tích BSC cho rằng CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA) sẽ không hưởng lợi nhiều do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, trong khi sản lượng xuất khẩu giảm do thị trường chủ lực là châu Âu suy thoái, đồng euro mất giá mạnh. 

Nhóm doanh nghiệp ngành công nghệ, các công ty như CTCP FPT hay CTCP Tập đoàn Công nghệ CMG sẽ chịu tác động tiêu cực do các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, châu Âu hay Hàn Quốc đang chứng kiến đồng tiền mất giá. 

Tùng Lâm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục