Nhìn lại 1 thập kỷ kể từ cuộc “đổ bộ” của những ngân hàng nông thôn

(Kinhdoanhnet) – Đã gần một thập kỷ trôi qua kể từ thời điểm các ngân hàng thương mại nông thôn ồ ạt chuyển đổi mô hình thành ngân hàng thương mại đô thị. Những ngân hàng nông thôn ngày đó giờ ra sao?.

Đua nhau chuyển đổi mô hình sang ngân hàng thương mại đô thị

Cũng vào thời điểm này 10 năm trước, các ngân hàng thương mại nông thôn đua nhau chuyển đổi mô hình sang ngân hàng thương mại đô thị. Từ năm 2006, nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã mua cổ phần của các ngân hàng nông thôn rồi nhanh chóng tăng vốn để ngân hàng chuyển đổi thành ngân hàng thương mại đô thị như ngày nay.

Những cái tên đầu tiên xuất hiện trên thị trường ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) được chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP nông thôn Hải Hưng (Hải Dương). Theo sau là hàng loạt những cái tên như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chuyển đổi mô hình từ Ngân hàng TMCP nông thôn Đồng Tháp Mười; Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (GPBank) chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình; Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP nông thôn Sông Kiên; Ngân hàng TMCP Đại Tín chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến; hay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chuyển đổi mô hình từ Ngân hàng TMCP nông thôn Nhơn Ái và còn nhiều cái tên ngân hàng nông thôn chuyển đổi thành ngân hàng TMCP đô thị khác.

Thời điểm đó, hệ thống ngân hàng xuất hiện tới 35 tổ chức ngân hàng với quy mô vốn hoá lớn nhỏ khác nhau, với hàng loạt những cái tên mới như SHB, ABBank, NaviBank, PGBank, GPBank, TrustBank hay WesternBank…

Nhìn lại 1 thập kỷ kể từ cuộc “đổ bộ” của những ngân hàng nông thôn - Ảnh 1

OceanBank là cái tên ngân hàng đô thị xuất hiện rất sớm, nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Ảnh: Internet.

Sau khi chuyển đổi mô hình, các tổ chức kinh tế nhanh chóng bơm vốn, tăng vốn điều lệ, mở rộng hoạt động của các ngân hàng. Chỉ sau vài năm, vốn điều lệ các ngân hàng tăng mạnh, cùng với đó là quy mô hoạt động cũng được mở rộng hơn chứ không còn bó hẹp trong phạm vi tỉnh thành, khu vực như thời còn hoạt động dưới hình thức ngân hàng nông thôn.

Thế nhưng không phải ngân hàng nào cũng đạt được thành công từ việc chuyển đổi mô hình của mình. Cụ thể là trong số những ngân hàng nông thôn ngày ấy, chỉ có số ít vẫn còn tồn tại đến hiện nay, số còn lại phần thì đã về sở hữu Nhà nước phần thì đã bị xoá tên khỏi hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Xuất hiện nhiều, nay còn bao nhiêu?

Sau khi ồ ạt chuyển đổi mô hình hoạt động năm 2006 thì đến giai đoạn năm 2009-2011, ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới khiến nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng hoạt động yếu kém. NHNN đã phải đánh giá xếp loại 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu bao gồm GPBank, NaviBank, TrustBank, WesternBank, HabuBank, SCB, TinnghiaBank, Ficombank, TPBank.

Tính cho tới hiện nay, chỉ còn một vài cái tên như ABBank, SHB, KienLongBank là 3 ngân hàng chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn ngày ấy còn tồn tại và hoạt động đến hiện nay. Và có lẽ SHB là cái tên thành công nhất trong số hơn một chục ngân hàng năm đó.

Một số ngân hàng hoạt động yếu kém sau khi đổi chủ đã đổi tên như NaviBank tái cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), TrustBank sau khi có chủ mới là nhóm cổ đông Tập đoàn Thiên Thanh đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB). Nhiều ngân hàng không thể tự tái cơ cấu đã buộc phải sáp nhập với những ngân hàng khác như việc PGBank sáp nhập vào VietinBank; MekongBank đã phải sáp nhập vào MaritimeBank; DaiABank phải sáp nhập vào HDBank, hay SouthernBank phải sáp nhập với Sacombank.

Thương vụ sáp nhập đình đám nhất có lẽ việc hợp nhất 3 ngân hàng thuộc diện yếu kém theo đánh giá của NHNN bao gồm SCB, TinNghiaBank, FicomBank thành một ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB),.

Sau đó vào tháng 8/2012 là vụ sáp nhập HabuBank vào SHB, hoạt động dưới cái tên SHB với vốn điều lệ lên tới 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hậu sáp nhập lên tới 120 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, SHB thuộc nhóm ngân hàng tầm trung của thị trường với tổng tài sản cho tới hết quý 2/2016 đạt hơn 211.887 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 9.486 tỷ đồng.

Nhìn lại 1 thập kỷ kể từ cuộc “đổ bộ” của những ngân hàng nông thôn - Ảnh 2

Những cái tên như SouthernBank, Ficombank, TinnghiaBank, WesternBank hay HabuBank sẽ chỉ còn là hoài niệm. Ảnh: Internet.

3 cái tên ngân hàng đáng chú ý là OceanBank, GPBank và VNCB. Đáng chú ý không phải là do đạt được kết quả kinh doanh tốt mà chú ý là do hiện tại cả 3 ngân hàng này đã về chung một mái nhà đó là thuộc sở hữu Nhà nước. Khi NHNN buộc phải mua lại toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng này với cùng một mức giá 0 đồng.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới cái tên WesternBank ngày ấy, sau khi sáp nhập với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) vào cuối năm 2013, ngân hàng đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank). Nhờ tiềm lực mạnh mẽ từ PVFC, PVcomBank ngay khi thành lập đã trở thành ngân hàng với quy mô vốn hoá khá lớn, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 52% vốn điều lệ. Tính đến hết năm 2015, tổng tài sản của PVcomBank đạt hơn 101.124 tỷ đồng, vốn điều lệ là 9.000 tỷ đồng. Thế nhưng kể từ khi chính thức đi vào hoạt động cho đến nay thì tình hình hoạt động của PVcomBank vẫn chưa thực sự ổn định và vẫn còn rất nhiều điều phải làm với ngân hàng này.

Có thể thấy chỉ trong vòng gần một thập kỷ, hệ thống ngân hàng trong nước đã có những sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ thời điểm mà các ngân hàng nổi lên như “nấm mọc sau mưa” ghi nhận tới 35 tổ chức ngân hàng trong hệ thống thì đến nay hệ thống ngân hàng đã tinh gọn hơn rất nhiều. Theo như định hướng của NHNN sẽ tiến hành trái cấu trúc hệ thống ngân hàng đi vào ổn định với khoảng 20 tổ chức ngân hàng trong hệ thống. Hiện tại, sẽ là thời điểm để các ngân hàng hoàn thiện tái cấu trúc và hội nhập trong thời buổi kinh tế mở như hiện nay, đặc biệt là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các ngân hàng 100% vốn ngoại đang dần tiến vào thị trường Việt.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục