Lại có "biến" ở Eximbank
Ngày 22/11, Eximbank thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2019 nhằm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) vào nhiệm kì 2015-2020. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự là 12/12.
Đại hội bất thường lần này sẽ được tổ chức vào ngày 5/3/2020, chỉ trước hơn một tháng so với thời điểm tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Tại thời điểm 30/9, HĐQT Eximbank có 10 người gồm Chủ tịch Cao Xuân Ninh, hai Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai và Yasuhiro Saitoh, cùng 7 thành viên khác. Ông Cao Xuân Ninh được bầu vào chức vụ Chủ tịch vào ngày 22/5.
Thông báo của Eximbank cho biết, ngân hàng sẽ nhận hồ sơ của cổ đông/nhóm cổ đông về việc ứng cử, đề cử từ ngày 30/12/2019 đến ngày 13/1/2020.
Dự kiến ngày 18/2/2020, Eximbank sẽ trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT trước khi tiến hành bầu tại ĐHĐCĐ bất thường.
Như vậy, sớm nhất là sau ngày 18/2/2020, các cổ đông Eximbank mới biết được ứng viên nào sẽ được bầu vào HĐQT nhiệm kì 2015-2020.
Tờ Vietnambiz đưa tin, trong một diễn biến khác, thanh khoản cổ phiếu EIB của Eximbank có dấu hiệu sụt giảm mạnh trong những phiên gần đây.
Khối lượng giao dịch trong tuần từ ngày 18 - 22/11 chỉ đạt hơn 1,3 triệu cp, giảm hơn một nửa so với tuần trước đó.
Thanh khoản EIB đang có dấu hiệu giảm dần (Nguồn: VietStock).
Sự sụt giảm thanh khoản của EIB chủ yếu do các giao dịch thỏa thuận không còn "sôi động" như trước với chỉ 300.000 cp được trao tay theo phương thức này, so với con số hàng triệu hay hàng chục triệu của những tuần trước đó.
Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), tính từ đầu năm đến ngày 27/11 có tổng cộng hơn 855 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được nhà đầu tư trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch gần 14.690 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 95% lượng cổ phiếu trên, tức hơn 812 triệu đơn vị với giá trị gần 13.840 tỉ đồng là giao dịch thỏa thuận (tương đương 3,6 triệu cp/ngày) và chỉ có hơn 43 triệu cổ phiếu giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Mặc dù điều này không có nghĩa là 807 triệu cổ phiếu được chuyển người sở hữu nhưng nó cho thấy phần nào sự biến động trong cơ cấu cổ đông của Eximbank thời gian qua.
Hàng loạt ngân hàng bảo lãnh dự án condotel
Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô, hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính, đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí, bất ngờ phát đi thông báo "vỡ trận" tại dự án Cocobay Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn thị trường.
Theo đó, do khó khăn về dòng tiền, Empire Group (là tên gọi hiện nay của Thành Đô) quyết định chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng từ ngày 1/1/2020.
Thông báo của Empire Group như một hồi chuông báo động nguy cơ "vỡ trận" condotel. Bởi vài năm trước, loại hình bất động sản condotel trở nên "sốt nóng", nhiều ngân hàng tìm cách bắt tay chủ đầu tư cung cấp tín dụng cũng như hỗ trợ tối đa cho người mua nhà.
Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không thể trả lợi nhuận condotel như cam kết.
Theo NDH đưa tin, chủ đầu tư các dự án condotel như Gold Coast Nha Trang hay Citadines condotel Hạ Long cũng cho biết khách mua được Vietcombank cho vay với 70% giá trị căn hộ trong thời gian tối đa 15 năm. Ngoài ra, dự án này còn có sự tham gia của VPBank đồng cho vay với thời gian tối đa 25 năm. Một số dự án khác có sự hỗ trợ của Vietcombank như Pan Pacific Đà Nẵng Resort, Sonasea Condotel & Villas… với mức cho vay 50-70% giá trị căn hộ.
Dự án Swisstouches La Luna Resort cho biết khách mua được VietinBank hỗ trợ cho vay 70% giá trị căn hộ với lãi suất 0% trong 12 tháng và ân hạn nợ gốc 12 tháng. Ngân hàng này cũng bảo lãnh cho dự án The Arena Cam Ranh, với mức hỗ trợ vay vốn 70% và lãi suất 0% đến ngày nhận bàn giao căn hộ, dự án Wyndham Soleil Đà Nẵng với chính sách tương đương.
Một số ngân hàng khác cũng tham gia vào thị trường này như BIDV bảo lãnh dự án Swisstouches La Luna Resort Nha Trang, Techcombank được giới thiệu là đơn vị cho vay dự án Condotel Grand World Phú Quốc với mức hỗ trợ 60% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ hỗ trợ lãi suất 0% đến 2020.
Thông tư 22 mới ban hành ảnh hưởng như nào tới các ngân hàng?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 22 thay thế Thông tư 36/2014 (và các thông tư sửa đổi liên quan), quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng. Thông tư này được đánh giá là một quyết định quan trọng trong việc điều hành hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Hai điểm quan trọng đáng lưu ý được quy định tại Thông tư gồm: lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn từ 40% xuống 30%; tăng hệ số rủi ro với cho vay bất động sản tiêu dùng (mua nhà) từ mức 50% hiện tại lên đến mức trần tối đa là 150%.
Ảnh minh họa
Theo đó, thông tư 22 điều chỉnh hệ số rủi ro trong cách tính hệ số an toàn vốn (CAR) áp dụng cho các ngân hàng chưa đáp ứng được tỷ lệ này theo Thông tư 41 (chuẩn Basel II). Thời hạn mới áp dụng Thông tư 41 cho tất cả các ngân hàng đã được lùi lại đến ngày 1/1/2023.
Trước đây, nhiều khoản vay được phân loại là sử dụng cho mục đích mua và sửa chữa nhà để bán và cho thuê, mà bản chất là nợ cho vay kinh doanh bất động sản (với hệ số rủi ro 200% theo Thông tư 36 hiện hành).
Được biết, phương pháp phân loại này làm sai lệch mức độ rủi ro tín dụng nói chung, trong khi âm thầm làm lệch hướng chính sách do NHNN quy định.
Các chuyên gia SSI Research cho rằng Thông tư 22 sẽ không tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay mua nhà tại các ngân hàng niêm yết này do tỉ lệ CAR theo Basel II của nhiều ngân hàng niêm yết cao hơn mức yêu cầu tối thiểu là 8% (tính đến tháng 9).
Ngoài ra, Thông tư cũng thực điều chỉnh mức tối đa của tỉ lệ huy động/cho vay (LDR), là 85% đối với ngân hàng quốc doanh và TMCP. Thời gian thực hiện chuyển tiếp là 2 năm (trước ngày 1/1/2022).
Quy định mới nâng mức trần từ 80% trước đó lên 85% cho tất cả các ngân hàng, điều này sẽ có lợi cho các ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với các ngân hàng quốc doanh, chuyên gia của ước tính BIDV sẽ giảm tỉ lệ này xuống dưới 85% nhờ nguồn vốn mới tăng vào năm 2020.
Hà Phương (t/h)