Rắc rối giải quyết nợ xấu
Trước tình trạng xử lý nợ xấu hiện nay còn quá chậm chạp, dù VAMC đã mua khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới thực sự giải quyết được khoảng 1.000 tỷ đồng. Thậm chí công cuộc xử lý còn chững lại, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) không thể khởi sắc, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng:
“Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) khi thành lập được kỳ vọng là có quyền lực tuyệt đối, có thể vượt lên trên các luật, quy định vì nhiệm vụ của nó là xử lý nợ xấu trong thời gian rất ngắn với những quy chế đã ban hành rất rắc rối… Nhưng đến khi tất cả các các văn bản được chỉnh sửa lại để nó không xung đột với các luật khác đã khiến cho VAMC không có quyền lực, không có đủ quyền để lập một bộ hồ sơ mua – bán nợ”.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính cho rằng: Hiện nay, trong vấn đề xử lý nợ xấu còn hai vướng mắc quan trọng cần tháo gỡ, đó là cơ chế hay thị trường mua bán nợ. Cụ thể là sau khi VAMC đã gom nợ lại rồi thì họ sẽ xử lý nó thế nào, bán thế nào và bán cho ai. Vướng mắc thứ 2 liên quan tới việc xử lý tài sản đảm bảo, do chúng ta chưa ban hành cho VAMC quyền đặc biệt, tức là đơn vị có thể bán tài sản đảm bảo đó đi mà không cần phải xin sự chấp thuận của bên đi vay. “Tại Việt Nam chưa có quyền đó nên việc xử lý nợ xấu vẫn cứ nhùng nhằng, đây chính là vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay”- ông Lực nhấn mạnh.
Ngay cả khi VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại thì VAMC cũng không đủ quyền lực về chủ quyền đối với tài sản đó. Do không có đủ quyền lực để xử lí tài sản đảm bảo mà không cần sự chấp thuận của bên đi vay nên khi nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua khoản nợ xấu đó thì VAMC cũng khó lòng giải quyết nhanh thủ tục để bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vì không có quyền lực nên VAMC chọn những hồ sơ nợ xấu nào “ngon” nhất mới mua, những hồ sơ như vậy thì tự các ngân hàng cũng bán tốt hơn, nhanh hơn nên... không muốn bán cho VAMC.
Ngoài ra, khó khăn khi bán nợ theo giá thị trường còn phải kể đến vấn đề thủ tục khi định giá, mỗi lần thay đổi bước giá phải mất khoảng 2 tháng nên sẽ gây kéo dài thời gian xử lý nợ xấu
Lấy ví dụ,một tài sản đảm bảo là BĐS cho thuê thì dù đã bán cho VAMC thì 2-3 năm sau mới hết chủ quyền cho thuê, còn chưa tính tới cả những mảnh đất thế chấp ngân hàng nhưng vẫn trong tình trạng chưa đền bù xong, chưa hoàn thuế…
Trước thực trạng đó, dù nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận quyền sử dụng (không cần quyền sở hữu) tài sản nợ xấu, nhưng VAMC cũng không thể làm được thủ tục sang tên.
Thủ tục hành chính kìm hãm thị trường mua bán nợ không phát triển được, dù các nhà đầu tư nước ngoài vào rất nhiều. VAMC đã cung cấp 60 hồ sơ nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài xem xét để mua nợ xong cũng chưa có kết quả.
Đa số nợ xấu tồn tại dưới dạng BĐS
Phương hướng giải quyết
Để giải quyết nợ xấu, các chuyên gia kinh tế của Chính phủ đã đề nghị Chính phủ cho phép VAMC bán tài sản đảm bảo mà không cần cần lấy ý kiến bên đi vay. Trên hết, phải có một nguồn lực tài chính thật sự, còn “tiền” bằng trái phiếu đặc biệt khó có thể xử lý nhanh chóng và dứt khoát nợ xấu.
Về nguồn tiền tươi để xử lý nợ xấu có thể lấy từ nguồn 100.000 tỷ đồng của công ty quản lý vốn của Nhà nước, hoặc từ nguồn dự trữ ngoại tệ mà Thủ tướng có quyền quyết định mà không phải thông qua Quốc hội.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 6.300 tỷ đồng nợ xấu, đưa tổng số nợ xấu mà VAMC mua được đạt hơn 45.000 tỷ đồng, tự hệ thống ngân hàng cũng đã xử lý được khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu.
Quốc Hưng (tổng hợp)