Nhiều doanh nghiệp xin khất nợ trái phiếu

Đầu năm nay, do kinh doanh khó khăn không có tiền trả nợ trái phiếu nên hàng loạt doanh nghiệp phải khất nợ trái phiếu với nhà đầu tư.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng bất động sản. Tại hội nghị người sở hữu trái phiếu năm 2023 diễn ra tuần qua, Người sở hữu trái phiếu đã thông qua Nghị quyết chậm trả gốc lãi lô trái phiếu VC2H2122001.

Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 27/10/2021 giá trị phát hành 150 tỷ đồng, kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Mục đích vốn sử dụng lô trái phiếu này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, thực hiện các chương trình dự án đầu tư của công ty, bổ sung vốn thi công công trình Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Căn hộ I-Tower Quy Nhơn.

Doanh nghiệp không thu được nguồn vốn như kế hoạch nên phải xin khất nợ với các trái chủ. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp không thu được nguồn vốn như kế hoạch nên phải xin khất nợ với các trái chủ. Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, 27/10/2022 vừa qua là Vina2 phải thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Vina2 đã xin khất thêm một năm nữa tức là tới ngày 27/10/2023 Công ty mới có khả năng thanh toán toàn bộ số tiền nợ phải trả bao gồm gần 119 tỷ đồng và lãi phát sinh cho trái chủ với lãi quá hạn được xác định là 150% mức lãi suất đã công bố 11,5% theo quy định và cam kết với người sở hữu trái phiếu. 

Về tình hình kinh doanh của Vina2, quý 4/2022, doanh thu thuần của công ty ghi nhận tăng 37% từ gần 296 tỷ đồng lên 405 tỷ đồng tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 70% dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 4,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 3,6 tỷ đồng. 

Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 113 tỷ đồng đầu năm xuống chỉ còn 4,5 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 1.335 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 là 1.605 tỷ đồng gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Các khoản phải thu với hàng tồn kho tăng nhanh, dẫn đến dòng tiền kinh doanh của Vina2 âm 274 tỷ đồng trong khi con số này cuối năm 2021 âm chỉ 59 tỷ đồng. 

Tương tự như trên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm).

Lô gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần. Theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng. Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. 

Nguyên nhân chậm thanh toán, DLG cho biết do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ. 

Doanh nghiệp tiếp theo xin khất nợ trái phiếu là Công ty Cổ phần Lavida Invest. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý đầu tư và cung cấp dịch vụ tái cấu trúc, thu xếp nguồn vốn, mua bán sáp nhập bất động sản, hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ nông nghiệp và năng lượng. Trụ sở công ty đặt tại L18-11-13, tầng 18 Tòa nhà Vincom Center Đồng Khởi, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM. 

Công ty này phát hành lô trái phiếu LVDCH2123001 với giá trị phát hành theo mệnh giá 70 tỷ đồng, ngày phát hành 8/2/2021, ngày đáo hạn 8/2/2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và có đảm bảo bằng tài sản với lãi suất cố định là 11%/năm. 

Lô trái phiếu này được Công ty Cổ Phần Chứng khoán ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities) tư vấn phát hành. Nguồn tiền thu về sẽ được Lavida Invest dùng để tăng quy mô vốn hoạt động. 

Tuy nhiên, theo Lavida Invest, do công ty chưa kịp sắp xếp được nguồn thanh toán nên sẽ trả thành 3 đợt. Đợt thứ nhất ngày 15/3/2023 sẽ thanh toán 10 tỷ đồng; đợt 2 ngày 15/4 thanh toán 30 tỷ đồng và đợt 3 ngày 30/5 thanh toán số tiền còn lại 22 tỷ đồng. 

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 khoảng 250.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm quý 3/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn. Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại ngành ngân hàng và bất động sản trong quý 4/2022 lần lượt đạt 35 nghìn tỷ đồng và 24 nghìn tỷ đồng.  

Xu hướng chủ động mua lại trước hạn phần nào giúp doanh nghiệp, nhà phát hành chủ động hơn đối với nhu cầu chi trả vốn trái phiếu doanh nghiệp. Động thái này cũng cho thấy những nỗ lực đáng kể nhằm thu xếp vốn, giải tỏa bớt áp lực đáo hạn trong tương lai gần. 

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục