Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt Hàn (mã chứng khoán VHG) công bố mức lãi ấn tượng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2014 đạt 4,3 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ quý 1/2013 công ty này đã lỗ gần 9,7 tỷ đồng). So với quý 1/2013, doanh thu thuần quý 1/2014 tăng 6,3 tỷ đồng tương ứng tử lệ tăng 20%; tỷ lệ lợi nhuận gộp đạt 20% so với doanh thu trong khi quý 1/2013 tỷ lệ này chỉ đạt 1%.
Hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt Hàn bước đầu mang lại doanh thu cho Công ty, đạt hơn 7 tỷ đồng trong quý 1/2014. Cùng với đó, lĩnh vực cao su cũng đã đưa lại doanh thu là 9,7 tỷ đồng góp phần lớn vào lợi nhuận của Công ty. Đây là hai hoạt động kinh doanh chính, được Công ty chú trọng đầu tư trong năm 2014 và dự kiến sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh cao trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc thực hiện tái cấu trúc tài chính, nguồn thu từ các khoản phải thu tồn đọng, chuyển nhượng tài sản… đã giúp Công ty chủ động nguồn hoạt động, chi phí tài chính giảm 1,9 tỷ, tương ứng tỷ lệ giảm là 42%.
Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt Hàn có chức năng kinh doanh, sản xuất dây cáp các loại; Sản xuất cáp sợi quang học; Sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện khác; Sản xuất các thiết bị điện thoại; Thủy điện, sản xuất điện khác (điện phong,…);
Hiện Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt Hàn đang niêm yết trên sàn TP.HCM với mã chứng khoán là VHG. Trước những biến động của thị trường, cổ phiếu này đang giữ ở mức giá là 8.700 đồng/cổ phiếu.
Các công ty bia báo lãi ấn tượng hơn cả.
Theo Bộ Công thương, hiện thị trường Việt có mặt hơn 30 thương hiệu bia trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sức hút với nhà đầu tư cho ngành này chưa dừng lại.
Mới đây, Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) - hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới đã đặt chân vào Việt Nam. AB Inbev đã được cấp phép đầu tư tại Việt Nam và đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy với số vốn 50 triệu USD, dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2015. Ngoài sản xuất, AB Inbev cũng sẽ tiến hành nhập khẩu vào Việt Nam một số dòng sản phẩm chất lượng cao để thử nghiệm, sau đó tiến tới sản xuất tại chỗ. Đơn vị này đang sở hữu nhiều thương hiệu như Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck's và Brahma.
Theo điều tra của Thrillist, chuyên trang tư vấn về mua sắm, tiêu dùng và du lịch dành riêng cho nam giới tại Mỹ, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ trên dưới 3 tỷ lít bia. Tính về giá trị, lượng bia này tương ứng 4,56 tỷ USD. Hiện 4 công ty bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco (bia Sài Gòn, bia 333), Habeco (bia Hà Nội), VBL (Heineken, Tiger...) và Carlsberg đang chiếm lĩnh thị trường.
Năm qua, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt và thách thức từ thị trường cho tới chính sách, nhiều hãng bia đã bị thu hẹp thị phần, nhưng lợi nhuận nhìn chung vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo tài chính 2013 của Sabeco, đơn vị này sản xuất và tiêu thụ 1,32 tỷ lít bia Sài Gòn các loại. Doanh thu đạt 28.707 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế 3.579 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách Nhà nước 12.854 tỷ đồng, gấp 4 lần lợi nhuận trước thuế.
Mặc dù 2014, Sabeco cho biết sẽ phải đối diện với nhiều biến động từ giá cả nguyên liệu, chi phí vận chuyển cho tới thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, tuy nhiên công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ.
Theo đó, năm nay, Sabeco dự kiến đạt doanh thu 29.322 tỷ đồng, tăng 3%; lãi trước thuế 3.672 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu sản xuất và tiêu thụ năm nay của doanh nghiệp này trên 1,33 tỷ lít bia, tăng 1% so với 2013. Tính riêng 4 tháng đầu năm, Sabeco vừa hoàn thành 30% kế hoạch này. Dự kiến năm nay công ty nộp ngân sách 12.375 tỷ đồng.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho hay, năm nay tiếp tục là một năm nhiều khó khăn nhưng công ty sẽ không ngại cạnh tranh với bia ngoại nhập bởi xét về mức giá và chất lượng, sản phẩm của Sabeco có vị thế riêng. Ông Tuất cũng kỳ vọng sản phẩm Saigon Gold sắp ra mắt thị trường sẽ đủ sức cạnh tranh với dòng bia cao cấp khác, thay vì nhường sân chơi cho một vài thương hiệu độc chiếm như hiện nay. Hiện, Sabeco đang đầu tư nâng cấp khá nhiều nhà máy.
Còn tại Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco), báo cáo tài chính hợp nhất năm của công ty này cho thấy, tổng doanh thu năm 2013 đạt 9.033 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2012. Lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, giảm 15,4 % so với 2012. Tuy lợi nhuận 2013 của Habeco giảm, nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, đây vẫn là con số lợi nhuận ấn tượng trong ngành giữa bối cảnh có khá nhiều khó khăn.
Năm nay, công ty đặt chỉ tiêu tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 503 triệu lít, lợi nhuận sau thuế 847 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, tại Habeco cổ đông Nhà nước nắm giữ 81,79% cổ phần, Carlsberg Breweries A/S, Công ty trách nhiệm hữu hạn Carlsberg Đông Dương và các cổ đông khác nắm 18,21%.
Không còn là doanh nghiệp nội như 2 đơn vị trên, cuối 2011 Công ty TNHH Bia Huế đã chính thức là doanh nghiệp 100% vốn của Carlsberg (Đan Mạch). Trải qua nhiều biến chuyển, tuy nhiên, 2013 công ty này vẫn đạt kết quả kinh doanh khá tốt. Theo thông tin của Hiệp hội bia –rượu- nước giải khát, năm 2013, sản lượng sản xuất của Bia Huế đạt 200 triệu lít, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng và nộp ngân sách tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012.
Năm 2014, Công ty phấn đấu sản lượng sản xuất đạt 223 triệu lít, tăng gần 15% so với năm 2013; Nộp ngân sách tăng 37%, tương đương 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng… Công ty tiếp tục chiến lược mở rộng thêm thị trường mới, đẩy mạnh chuyển dịch sản phẩm bia chai sang bia lon.
Không có con số cụ thể về lợi nhuận của Heineiken ở thị trường Việt Nam, tuy nhiên, theo ước tính của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, dù sản lượng bia chỉ bằng 1/2 của Sabeco nhưng lợi nhuận mà Heineken thu được không thua kém, với con số trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của các công ty bia dẫn đầu, một chuyên gia phân tích cho hay, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với ngành bia. Lợi nhuận của một số công ty giảm so với mọi năm là vì có những đơn vị giảm thị phần, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, mức lãi này vẫn khá ấn tượng trong thời buổi kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ giảm.
Vị này cũng cho hay, trong khi các doanh nghiệp lớn ở ngành khác đề ra kế hoạch giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay, nhưng đối với ngành bia dù thách thức lớn vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường vẫn còn.
Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán: DQC) đã trở nên khá quen thuộc đối với khá nhiều người tiêu dùng Việt. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của đơn vị này cũng khiến không ít người quan tâm.
Theo giải trình kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2014 của Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, doanh thu quý 1/2014 của Công ty này đạt 207,8 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,1 tỷ đồng.
Lý giải về việc lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang cho biết, trong quý 1/2014 doanh thu tăng là do công ty đã đưa ra một số dòng sản phẩm mới. Kiểm soát tốt giá thành sản phẩm.
Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang có chức năng kinh doanh, sản xuất, mua bán các loại bóng đèn, ballast, starter, dây điện, trang thiết bị chiếu sáng, ống thủy tinh và sản phẩm thủy tinh các loại…
Theo giới thiệu, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 21/2/2008, với mã số là DQC. Sau nhiều năm niêm yết, cổ phiếu này đang giữ ở mức 36.200 đồng/cổ phiếu (khi chốt phiên ngày 29/5).
N.N.(Tổng hợp)