Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, luật sư Trần Văn Tạo – nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh – Luật sư bào chữa cho ông Ole Bollingtoft, bà Nguyễn Thị Thủy và ông Phạm Văn Kiên, là những người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, luật sư Tạo nêu rõ quan điểm: “Cả 03 cá nhân nêu trên đều không có hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên vì: Thứ nhất, Công ty Hòn Thị là một doanh nghiệp khai thác khoáng sản hợp pháp theo Luật Đầu tư. Họ có đủ năng lực về tài chính, nhân lực, kỹ thuật, được quyền khai thác khoáng sản hợp pháp và tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của người khai thác khoáng sản. Họ bị buộc phải trả lại giấy phép khai thác khoáng sản trước thời hạn và bị bắt buộc làm theo các hướng dẫn của UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các Sở, ngành liên quan. Họ được phép khai thác tận thu đất đá từ việc hạ cốt nền dự án Khu đô thị và không hoạt động vượt giới hạn quy hoạch cho phép thì không có hành vi khai thác trái phép; Thứ hai, việc tổ công tác PC49, Công an tỉnh Khánh Hòa nhận thấy Công ty Hòn Thị đã bóc dỡ tầng phủ để lấy đất, đá phục vụ dự án và vật liệu san lấp ngoài ranh giới khu vực quy hoạch (khoảng 3.500m2) thì trên thực tế, diện tích bóc dỡ hạ cốt nền khoảng 1.000m2 nằm trong Dự án Khu đô thị (tiệm cận khu nhà ở của công nhân); Phần diện tích hơn 2.000m2 còn lại là diện tích đất bị sạt lở có nguy cơ mất an toàn lao động, hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu khai thác nào. Điều này được thể hiện rõ tại dấu vết hiện trường (không có dấu hiệu nổ mìn), cấu trúc nền đất yếu (theo hồ sơ kỹ thuật kết cấu nền dự án) và vết tích sạt lở tự nhiên (hình ảnh và thông tin thời tiết có liên quan). Vì thế hành vi thu dọn và tận thu đất cát từ sạt lở để san lấp nền Dự án Khu đô thị và bán ra ngoài là theo sự cho phép đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì không có hành vi vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào; Thứ ba, kiểm tra cả quá trình hoạt động của Công ty Hòn Thị từ khi hình thành pháp nhân cho đến thời điểm kiểm tra xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan Thuế và các đơn vị quản lý tại địa phương, Công ty Hòn Thị luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nhà đầu tư, chấp hành quy định pháp luật và hướng dẫn chỉ đạo của địa phương. Vì vậy việc làm của Công ty Hòn Thị không vi phạm quy định của Nhà nước liên quan đến khai thác khoáng sản. Việc Công ty Hòn Thị bị Công an tỉnh Khánh Hoà khởi tố theo quy định Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Vi phạm quy định khai thác khoáng sản là thiếu căn cứ. Cho nên với trách nhiệm của một luật sư, tôi đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ hoạt động tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hoà, tránh oan sai, ngăn ngừa thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường hợp này là pháp nhân có yếu tố nước ngoài, tránh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư Việt Nam”.
Tình trạng khai thác tài nguyên trên địa bàn xã Phước Đồng, Nha Trang vẫn diễn ra công khai mà không bị xử lý khiến dư luận đặt dấu hỏi về “động cơ” khởi tố lãnh đạo Công ty Hòn Thị
Công ty Hòn Thị qua 16 lần thanh, kiểm tra trước thời gian bị khởi tố đều có kết luận không vi phạm
Không chỉ có luật sư bào chữa cho các cá nhân nêu trên có quan điểm cho rằng “không có hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản” như Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố; mà ngay cả trong quá trình tác nghiệp tại địa phương này, phóng viên đã thu thập được 21 biên bản làm việc, biên bản kiểm tra của các Sở, ngành tỉnh Khánh Hòa đối với mỏ đá Hòn Thị (thời điểm từ năm 2015 đến năm 2018).
Điều đặc biệt là trong số này có đến 16 biên bản kiểm tra của lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa bao gồm: Đoàn kiểm tra Công an tỉnh (02 lần kiểm tra) vào các ngày 13/01/2015 và 23/02/2017; Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban ATGT tỉnh ngày 14/04/2015; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (03 lần kiểm tra) vào các ngày 04/07/2015, 06/04/2016 và 18/01/2018; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – PC49 (06 lần kiểm tra) vào các ngày 15/12/2016, 20/02/2017, 19/10/2017, 27/02/2018, 12/04/2018 và 18/04/2018; Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (02 lần kiểm tra) vào các ngày 20/07/2015 và 16/01/2017; Công an thành phố Nha Trang ngày 22/06/2017; Phòng Cảnh sát kinh tế ngày 26/06/2017. Đặc biệt hơn nữa, trong 16 lần kiểm tra của lực lượng Công an tỉnh này cũng không thấy một biên bản nào kết luận Công ty Hòn Thị có hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản hay đang khai thác khoáng sản trái phép cả. Điều đó cũng có nghĩa không có một mức phạt hay hình phạt nào về lĩnh vực khoáng sản được thực hiện đối với Công ty Hòn Thị trong khoảng thời gian này. Mà trái lại, trong các biên bản hầu hết đều ghi nhận “Tại thời điểm kiểm tra, chưa phát hiện Mỏ đá của Công ty có vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng vật liệu cháy nổ… Cần phát huy những ưu điểm đã đạt được…”; thậm chí cả với 06 lần kiểm tra dày đặc của lực lượng PC49 cũng có nhận xét: “Công tác chấp hành bảo vệ môi trường và pháp luật khoáng sản. Công ty hiện vẫn thực hiện theo đúng tiến độ và quy định pháp luật”.
Vậy không biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã căn cứ vào đâu để cho rằng họ “đủ căn cứ để xác định” ông Ole Bollingtoft, bà Thủy và ông Kiên đã có hành vi “khai thác tài nguyên trái phép”? Việc này rất cần sự quan tâm, giám sát của Trung ương và các cấp Bộ, ngành có thẩm quyền để công lý được thực thi đúng người, đúng tội!
Động cơ “đằng sau” các quyết định khởi tố hình sự là gì? Cần phải được làm rõ!
Dư luận tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp hiện nay đang không khỏi hoài nghi về “động cơ” của các quyết định khởi tố hành vi khai thác kháng sản trái phép đối với 03 cá nhân của Công ty Hòn Thị. Có người cho rằng mỏ đá này được một tập đoàn lớn trong tỉnh “đặt hàng” với mục đích “cướp mỏ” (?). Thực hư sự đồn đoán từ dư luận, chúng tôi còn phải tiếp tục tìm hiểu và phản ánh khách quan. Tuy nhiên qua sự né tránh của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (phóng viên đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại mà cả hai ông này đều không bắt máy) khi được yêu cầu cung cấp thông tin các cá nhân, doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép tại xã này, cùng sự né tránh của ông Nguyễn Thanh Minh – Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên & Môi trường (với lý do không phải người phát ngôn của Sở, mặc dù Giám đốc Sở TN&MT đã chỉ đạo ông Minh có trách nhiệm trả lời phóng viên những vấn đề liên quan đến chuyên môn) trong việc trả lời những thắc mắc của phóng viên về việc cấp phép, phân bổ và quản lý khoáng sản trên địa bàn (theo nội dung đề nghị làm việc của phóng viên ngày 25/03/2019) cũng khiến chúng tôi cũng phải suy nghĩ về lời đồn đoán của dư luận. Thậm chí có người còn xin gặp phóng viên để phản ánh hiện tượng khai thác tràn lan ở các xã lân cận xã Phước Đồng và đề nghị báo chí làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương khi để “chảy máu” tài nguyên.
Cả quá trình hoạt động của Công ty Hòn Thị từ khi thành lập cho đến thời điểm kiểm tra, xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan Thuế và các đơn vị quản lý tại địa phương, Công ty Hòn Thị luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nhà đầu tư, chấp hành quy định pháp luật và hướng dẫn chỉ đạo của địa phương. Những thủ tục chưa đầy đủ của Công ty Hòn Thị (nếu có) đều xuất phát từ sự bắt buộc và hướng dẫn của UBND tỉnh Khánh Hoà. Bản thân lãnh đạo Công ty Hòn Thị chỉ là người làm công ăn lương, lại là người nước ngoài nên họ không có nhu cầu báo cáo hay làm sai quy định của pháp luật. Vì vậy, những người thực thi công lý cần phải hiểu đúng bản chất sự việc, nếu không sẽ rất nguy hiểm, gây oan ức cho nhà đầu tư nước ngoài và làm ảnh hưởng tới sự hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và khối Liên minh châu Âu EU. Cùng với những tư liệu đã thu thập được trong suốt quá trình tác nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa, với trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi sẽ đưa sự việc có khả năng “oan sai” của lãnh đạo Công ty Hòn Thị ra ánh sáng và đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng theo quy định pháp luật nhằm góp phần xây dựng xã hội công bằng, kỷ cương, văn minh. Bài học từ vụ khởi tố của ông chủ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM, xem ra vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi cho việc điều tra làm rõ vụ việc này.
Hiền Anh và nhóm PVĐT
Báo KD&PL