Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Mã: TDH) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 chưa kiểm toán.
Quý II/2019, Nhà Thủ Đức đạt 1.767 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp của Nhà Thủ Đức giảm từ 9% xuống còn 2% trong kỳ.
Trong quý các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm trong khi doanh thu tài chính lại đột biến lên 93 tỷ đồng nhờ lãi thanh lý các khoản đầu tư nên kết thúc quý II Nhà Thủ Đức bão lãi tăng tới 96% lên 88 tỷ đồng.
Nếu không nhờ doanh thu tài chính đột biến thì các chi phí đã “ăn mòn” hết lợi nhuận gộp và Nhà Thủ Đức lại tiếp tục ghi nhận lỗ thuần tương tự quý II/2018.
6 tháng đầu năm Nhà Thủ Đức đạt 2.454 tỷ đồng doanh thu thuần, 105 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 109% và 42% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy sau nửa năm, Công ty đã thực hiện được 45% mục tiêu lợi nhuận năm.
Kết quả kinh doanh của TDH qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
Theo tổng hợp của người viết thì doanh thu của Nhà Thủ Đức tăng trưởng mạnh 6 năm trở lại đây. Nếu năm 2012 doanh thu của Công ty chỉ 200 tỷ đồng thì hết năm 2018 con số này lên tới 2.400 tỷ, gấp 12 lần. Trước đó năm 2009 – 2011 doanh thu Nhà Thủ Đức chưa có sự bứt phá, trên dưới mốc 500 tỷ đồng.
Trái ngược với doanh thu thì phong độ lợi nhuận của Công ty lại trồi sụt khi giai đoạn 2009 – 2013 ghi nhận sự giảm tốc mạnh sau đó lại ghi nhận thời kỳ tăng trưởng nóng 2015 – 2017 và lại tiếp tục giảm mạnh vào năm 2018.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận năm 2018 giảm mạnh Nhà Thủ Đức cho biết do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của công ty con CTCP Fideco từ năm 2017 trở về trước nay mới được phản ánh đầy đủ vào sổ sách kế toán khi hợp nhất vào công ty mẹ.
Hết quý II/2019, Nhà Thủ Đức có 7 công ty con, trong đó chỉ 2 đơn vị có lợi nhuận vào năm 2018 là Công ty TNHH Nước đá tinh khiết Đông An Bình và Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức với mức lãi chỉ 200 – hơn 500 triệu đồng.
Trong khi đó Công ty Fideco lỗ tới gần 36 tỷ đồng, Công ty TNHH Bách Phú Thịnh lỗ gần 3,4 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh công ty con của TDH, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo thường niên)
Tuy nhiên sang tới nửa năm 2019, kết quả kinh doanh của Công ty có phần khởi sắc khi doanh thu và lợi nhuận nửa năm 2019 đã vượt cả năm 2018 nhưng con số lợi nhuận này mới chỉ bằng gần 1/3 của năm 2009.
Dòng tiền chính lại từ xuất khẩu nông sản và linh kiện điện tử
Nếu nhìn vào con số tăng trưởng doanh thu chung thì nhiều nhà đầu tư sẽ lầm tưởng việc tăng trưởng doanh thu của Nhà Thủ Đức 6 năm qua đến từ mảng bất động sản nhưng theo tổng hợp của người viết về cơ cấu doanh thu qua các năm thì mảng mang lại dòng tiền lớn nhất cho Công ty lại là doanh thu từ xuất khẩu hàng nông sản, linh kiện điện tử.
Cơ cấu doanh thu của TDH qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
Từ năm 2015 đến 2018 thì doanh thu bán và đầu tư bất động sản của Nhà Thủ Đức mới bắt đầu gia tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng doanh thu.
Nhà Thủ Đức vốn luôn nói rằng bất động sản là mảng kinh doanh cốt lõi và phát triển song song các ngành phụ trợ (kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức, xuất khẩu nông sản, linh kiện điện tử ra nước ngoài...). Tuy nhiên gần như việc tăng trưởng mạnh của doanh thu 2012 – 2018 đến từ tăng trưởng cũng như đóng góp chính của mảng xuất khẩu hàng nông sản, linh kiện điện tử.
Nhà Thủ Đức được biết đến khi sở hữu Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức thông qua Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ Nông Sản Thủ Đức - một trong ba công trình chợ đầu mối trọng điểm của TP HCM. Các dịch vụ quản lý tại cụm chợ đầu mối Nông Sản Thực Phẩm Thủ Đức cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu của cả Công ty.
Hoạt động xuất khẩu hàng nông sản cũng dựa trên lợi thế sẵn có từ khu chợ đầu mối Nông Sản Thực Phẩm Thủ Đức. Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ Nông Sản Thủ Đức từng là một trong những đơn vị kinh doanh hiệu quả nhất của Nhà Thủ Đức tuy nhiên tháng 3/2018 Công ty đã thoái vốn tại đây xuống 49% với khoản lợi nhuận lên tới 47 tỷ đồng, ứng với suất sinh lời 249%. Nếu không nhờ khoản thoái vốn công ty con thì năm 2018 lợi nhuận của Nhà Thủ Đức còn rớt mạnh hơn.
Sang tới 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty tiếp tục bứt phá mạnh nhưng chiếm tới 96% tổng doanh thu là nguồn tiền thu từ xuất khẩu nông sản, linh kiện điện tử còn mảng bất động sản chỉ đóng góp 34 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 1%.
Duy trì được hệ số nợ/vốn chủ sở hữu dưới 0,6 trong 10 năm qua
Tại ngày 30/6 tổng tài sản của Nhà Thủ Đức đạt 5.030 tỷ đồng, quy mô tài sản của Công ty bắt đầu tăng mạnh từ năm 2018.
Hàng tồn kho và khoản nợ đi vay chủ yếu từ ngân hàng của Nhà Thủ Đức cũng tăng mạnh kể từ năm 2018 khi doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu. Dù đẩy mạnh vay nợ song hệ số nợ đi vay/vốn chủ sở hữu giai đoạn 2009 đến hết quý II/2019 chưa năm nào vượt tỷ lệ 0,6.
Hết quý II/2019, hàng tồn kho của Công ty nằm phần lớn ở dự án Khu phức hợp Centum Wealth, quận 9 – Công ty TNHH Bách Phú Thịnh hơn 327 tỷ đồng.
Dự án Centum Wealth do Công ty TNHH Bách Phú Thịnh làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 50 triệu USD trong đó Nhà Thủ Đức sở hữu 51%. Dự án có quy mô 11.582 m2 và đang trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, Công ty cũng có khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 814 tỷ đồng ở dự án Khu dân cư Cần Giờ quy mô 29,8 ha do Fideco - Công ty con của Nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư sẽ được mở bán vào quý IV/2019.
Hiện hoạt động đầu tư bất động sản của Nhà Thủ Đức tập trung chủ yếu ở quận 9, quận Thủ Đức, quận 2 của TP HCM và đang mở rộng sang các tỉnh khác với với phân khúc bất động sản được chú trọng là: Nhà thấp tầng (đất nền), căn hộ bình dân, trung tâm thương mại; ưu tiên phát triển căn hộ dịch vụ và văn phòng cho thuê.
Hoàng Kiều