Nhà thầu CC1 vừa trúng sân bay Long Thành: Chất lượng lợi nhuận thấp, dòng tiền xấu, gánh nặng nợ

Mặc dù được định danh là một “ông lớn” của ngành xây dựng, tuy nhiên trong các năm gần đây, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) lại cho thấy khá nhiều vấn đề về hiệu quả kinh doanh cũng như chất lượng tài sản.

Nhà thầu CC1 vừa trúng sân bay Long Thành: Chất lượng lợi nhuận thấp, dòng tiền xấu, gánh nặng nợ
Nhà thầu CC1 vừa trúng sân bay Long Thành: Chất lượng lợi nhuận thấp, dòng tiền xấu, gánh nặng nợ

Khi “ông lớn” phải bán khoản đầu tư để có lãi

CC1 là doanh nghiệp xây dựng có tên tuổi và thời gian qua được nhắc đến nhiều hơn nhờ có chân trong “VIETUR” – liên danh vừa vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành có giá trị lên tới 35.000 tỷ đồng.

Thống kê của VietnamFinance cho thấy, trong 6 năm qua, doanh thu thuần của CC1 dao động trong khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu xây lắp dao động 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Với doanh số này, CC1 xếp sau những Coteccons, Hòa Bình, Ricons, Newtecons, Central Cons; đứng ngang với Vinaconex, Hưng Thịnh Incons; và hơn hẳn 2 “chiến hữu” trong liên danh VIETUR là Hancorp và Phục Hưng Holdings.

Với doanh số lớn, lợi nhuận của CC1 cũng ở mức lớn, thậm chí rất lớn. Tuy nhiên nếu nhìn vào bức tranh kinh doanh của CC1 từ năm 2020 đến năm 2022, có thể nhận ra chất lượng lợi nhuận của CC1 ở mức thấp.

Cụ thể, năm 2020, CC1 có doanh thu thuần 6.845 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 307 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận gộp này chỉ đủ trang trải cho chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Điều đó có nghĩa CC1 đã phải dựa vào hoạt động tài chính để có được lợi nhuận (gồm: cho vay, gửi tiền ngân hàng, đầu tư ăn cổ tức, bán hàng trả chậm, chiết khấu thanh toán).

Mức độ phụ thuộc vào hoạt động tài chính để có lợi nhuận tiếp tục được gia tăng cả về quy mô và cường độ trong năm 2021. Theo đó, năm này, doanh thu của CC1 là 5.664 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 235 tỷ đồng. Với chi phí tài chính rất lớn, hầu như toàn bộ lợi nhuận gộp đã bị “ăn” sạch sẽ. Để trang trải các loại chi phí hoạt động, CC1 đã phải bán các khoản đầu tư vào công ty liên kết cùng các khoản đầu tư khác. Các hoạt động tài chính này mang về cho CC1 770 tỷ đồng doanh thu (sau hồi tố còn 591 tỷ đồng). Ngoài ra, CC1 cũng phải bán tài sản cố định để có thêm thu nhập.

Kết quả là năm 2021, CC1 có lợi nhuận trước thuế 506 tỷ đồng, tăng gấp 9,5 lần năm trước, là mức lợi nhuận ngang ngửa thời kỳ đỉnh cao của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (sau hồi tố, lợi nhuận trước thuế năm 2021 còn 352 tỷ đồng).

Năm 2022, hoạt động tài chính vẫn đóng vai trò là “máy tạo lợi nhuận” của CC1. Cụ thể, năm 2022, doanh thu thuần là 6.435 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 496 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận gộp này chỉ đủ cân đối cho chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Vì thế, CC1 tiếp tục phải trông cậy vào việc bán các khoản đầu tư, bán tài sản cố định, cổ tức được chia từ Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk R’tih và Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Nhà Cửu Long cũng như khoản thu tiền phạt hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nhờ các hoạt động tài chính này, CC1 có lãi trước thuế 285 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước.

Bước sang năm 2023, động lực từ hoạt động tài chính không còn mạnh mẽ như trước, CC1 lộ ngay vấn đề lợi nhuận. Nửa đầu năm 2023, doanh thu chỉ 1.782 tỷ đồng, giảm 35%; lợi nhuận gộp chỉ 163 tỷ đồng, giảm 14%; doanh thu tài chính chỉ 144 tỷ đồng, giảm 27%. Kết quả là CC1 chỉ có lãi trước thuế 19 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Đối chiếu với mục tiêu kinh doanh 2023 đầy tham vọng: doanh thu 10.761 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 231 tỷ đồng, CC1 mới chỉ hoàn thành 16,5% mục tiêu doanh thu và 8,2% mục tiêu lợi nhuận.

Dòng tiền xấu, gánh nặng nợ

Không chỉ có chất lượng lợi nhuận thấp, dòng tiền kinh doanh của CC1 cũng liên tục trong tình trạng xấu trong suốt giai đoạn từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh các năm đều âm với mức âm rất nặng: 2020 âm 1.134 tỷ đồng, 2021 âm 311 tỷ đồng, 2022 âm 1.234 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 âm 814 tỷ đồng.

Nguyên do cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh của CC1 âm rất nặng là sự gia tăng của các khoản phải thu và chi phí lãi vay rất lớn.

Thực tế cho thấy các khoản phải thu của CC1 đã tăng rất mạnh trong các năm 2020 – 2022, từ 4.264 tỷ đồng lên 5.794 tỷ đồng (tăng 36%) rồi lên 8.502 tỷ đồng (tăng 46%). Tỷ trọng của các khoản phải thu trong cơ cấu tài sản cũng theo đó mà tăng mạnh, từ 43% (2020) lên 48% (2021) rồi 54,5% (2022).

Sự gia tăng về tỷ trọng của các khoản phải thu, đến mức vượt quá 50% tổng tài sản, là một trong những biểu hiện cho thấy chất lượng tài sản của CC1 đang diễn tiến theo chiều hướng xấu đi.

Hệ quả của việc vốn bị chiếm dụng là CC1 phải mượn vốn bên ngoài để bù đắp. Vì thế, giai đoạn 2020 – 2021 - 2022, nợ phải trả của CC1 đã tăng lên khá mạnh, từ 8.037 tỷ đồng lên 9.815 tỷ đồng (tăng 22%) rồi lên 11.421 tỷ đồng (tăng 16%). Trong đó, nợ vay tăng đều đặn từ 4.148 tỷ đồng lên 5.943 tỷ đồng (tăng 43%) rồi lên 6.767 tỷ đồng (tăng 14%).

Việc gia tăng nợ phải trả đã khiến CC1 trở thành một trong những doanh nghiệp xây dựng lệ thuộc nặng nề nhất vào vốn vay mượn bên ngoài, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2020 lên tới 4,34 lần; riêng lãi vay gấp 2,24 lần vốn chủ; năm 2021 là 4,44 lần, riêng lãi vay gấp 2,7 lần vốn chủ (sau hồi tố, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2021 là 5,29 lần, riêng lãi vay gấp 3,2 lần vốn chủ); năm 2022 là 2,74 lần, riêng nợ vay gấp 1,62 lần vốn chủ.

Vay mượn chồng chất chính là nguyên nhân khiến CC1 phải “còng lưng” trả lãi trong cùng giai đoạn nêu trên với tiền chi trả lãi vay các năm 2020 – 2021 – 2022 lần lượt là: 203 tỷ đồng, 193 tỷ đồng và 339 tỷ đồng.

Tình trạng này nếu để tiếp diễn trong thời gian dài chắc chắn sẽ gây ra những tổn hại rất lớn cho CC1, nên từ năm 2022, CC1 đã gấp rút tăng vốn chủ sở hữu để gia cố sức chống đỡ gánh nặng nợ. Việc hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu được cải thiện phần nào trong năm 2022 chính là hệ quả của việc này.

Năm 2023, lãnh đạo CC1 đã thuyết phục được cổ đông tiếp tục tăng vốn để giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (lưu ý là chỉ giảm hệ số cơ học, không phải giảm quy mô nợ). Theo đó, đại hội đồng cổ đông 2023 của CC1 đã nhất trí phát hành hơn 259 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để tăng vốn. Trong 259 triệu cổ phiếu này, có 29,5 triệu cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức; 230 triệu cổ phiếu được chào bán riêng lẻ. Nếu phát hành trọn vẹn, CC1 sẽ nâng vốn điều lệ lên 5.885 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại hội đồng cổ đông cũng thông qua việc bán 337.800 cổ phiếu quỹ với giá không thấp hơn 14.200 đồng/cổ phiếu để bổ sung nguồn tiền hoạt động của công ty.

Có thể thấy, CC1 đang làm hết sức những gì có thể để kịp thời cải thiện gánh nặng nợ đang đè lên vai, cũng là một bước đi để kịp chuẩn bị cho gói thầu 5.10 sân bay Long Thành mà công ty này là một thành viên của liên danh VIETUR vừa trúng được.

Tuy vậy, việc phát hành không phải có thể thực hiện được ngay, cũng như chưa có gì đảm bảo 100% rằng việc phát hành sẽ thành công mĩ mãn. Cần lưu ý rằng, CC1 đã từng hủy bỏ kế hoạch tăng vốn điều lệ từ phát hành ESOP, vốn đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông năm 2022. Vì vậy, không loại trừ khả năng công ty này tiếp tục “quay xe” với kế hoạch tăng vốn đã được đại hội 2023 thông qua.

Có thể nói, CC1 đang đi những bước rất quan trọng, nhưng với tình thế hiện nay, cũng có thể nói rằng, đó là những bước đi trên mặt băng mùa xuân, với mỗi bước đi đều ẩn tàng những điều khó nói trước.

Ái Châu Tử

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục