Nhà ở xã hội "đắt khách" trở lại!

(Kinhdoanhnet) - Với việc thị trường căn hộ Hà Nội ấm lên, lượng giao dịch tăng dần đều ở các phân khúc, thì nhà ở xã hội cũng dần lấy lại vị thế. Hiện nay, dự án nhà ở thương mại có xu hướng tăng giá bán, nên các dự án nhà ở xã hội lại trở thành “hàng nóng” của thị trường.

Nhà ở xã hội "đắt khách" trở lại! - Ảnh 1
Nhà ở xã hội đắt khách trở lại!

Thị trường bất động sản ấm lên giúp hầu hết các dự án nhà ở xã hội từng ế hàng trước đó đều đã được bán hết. Tại đó, các dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp như Tây Nam Linh Đàm, số khách hàng đăng ký mua nhà có thời điểm lớn hơn gấp nhiều lần số lượng căn hộ của dự án.

Tương tự, tại Dự án Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm) với 980 căn hộ vừa được công bố mới đây, đại diện chủ đầu tư là Công ty Thủ Đô Invest cho biết, lượng khách hàng đủ điều kiện mua nhà xã hội đăng ký đặt mua lớn hơp gấp 2 lần số lượng căn hộ dự án triển khai.

Tại dự án nhà xã hội Phú Lãm, quận Hà Đông của CTCP Đầu tư Hải Phát, mặc dù dự án có lượng căn hộ rất lớn, lên đến gần 2.000 căn, nhưng doanh nghiệp rất tự tin đối với đầu ra của sản phẩm và cam kết sẽ triển khai dự án theo đúng tiến độ.

Một dự án nhà ở xã hội khác là là Brigh City của CTCP Bất động sản AZ (AZ Land), là dự án nhà thương mại, vì khó khăn doanh nghiệp đã xin chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Cũng như Hải Phát, AZ Land cũng rất tự tin trong việc bán hàng và đang tích cực triển khai dự án.

Thậm chí xa trung tâm Hà Nội đến 20 km và được đánh giá rất khó bán nhà như Dự án nhà xã hội Bamboo Garden của Tập đoàn CEO, nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết tâm triển khai và mới đây đã chính thức cất nóc dự án…

Ngoài các dự án trên, thị trường bất động sản Hà Nội thời gian tới cũng sẽ đón nhận một nguồn cung nhà ở xã hội cực lớn từ nhiều dự án khác. Tuy nhiên, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở xã hội tại Hà Nội dường như cũng đang lấy lại được vị thế của mình.

Hiện Hà Nội và TP. HCM đang được đánh giá là hai địa phương đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng mới đây cho hay xét trên bình diện quốc gia, tổng vốn đầu tư xã hội tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội thường xuyên chiếm gần 50% cả nước. Đây cũng là hai địa phương dẫn đầu về tạo việc làm mới, sản phẩm mới và thu hút nhiều lao động đến làm việc, sinh sống.

Tại Việt Nam hiện có trên 770 đô thị, dân số đô thị chiếm gần 34% dân số cả nước và khu vực này đóng góp khoảng trên 70% tổng thu ngân sách. Đầu tư phát triển ở khu vực đô thị có ảnh hưởng quyết định đến quy mô, năng lực, hiệu quả đầu tư của toàn xã hội.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô nhưng thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Phát triển đô thị bị đánh giá là chưa có kế hoạch, không căn cứ vào khả năng thanh toán của nền kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều dự án đô thị được cấp phép nhưng không có đủ nguồn lực thực hiện, đầu tư thiếu đồng bộ hoặc bỏ hoang, làm lãng phí các nguồn lực xã hội…

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội, năm 2015, Hà Nội phát triển khoảng 812.000m2 nhà ở xã hội, hơn 95.000m2 nhà ở công nhân thuê, khoảng 60.000m2 nhà ở sinh viên. Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội tiếp tục phát triển khoảng 4,6 triệu mét vuông nhà ở xã hội, khoảng 600.000m2 nhà ở công nhân và khoảng 1 triệu mét vuông nhà ở sinh viên. Diện tích nhà ở này được phát triển đều theo từng năm.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Đầu tư Bất động sản, Hanoimoi)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục