Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đến hết năm 2018 dân số đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội khoảng 9,6 triệu người (bao gồm cả người ngoại tỉnh cư trú thường xuyên), trong đó có trên 60% là nhóm người có thu nhập thấp, có nhu cầu thực về nhà ở. Nhiều người trong số họ không đủ điều kiện hoặc chưa được mua NƠXH thì có thể đăng ký thuê nhà. Vậy nhưng, không phải ai cũng mặn mà với việc thuê này.
Anh Bùi Hồng Anh - cán bộ công tác tại huyện Đông Anh trăn trở: “Nếu thuê nhà trong vòng 40 năm thì số tiền thuê từ gia đình tôi phải bỏ ra khoảng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng, bằng với số tiền mua căn hộ nên tôi quyết định không thuê”.
Chị Nguyễn Thu Hồng - cán bộ công tác tại Q.Bắc Từ Liêm thì cho biết, năm 2016 chị có làm hồ sơ mua NƠXH tại dự án Ecohome 2 (P.Đông Ngạc, Q.Bắc Từ Liêm) nhưng chưa mua được. Hiện nay, dự án Ecohome 3 đang nhận hồ sơ nên chị lại tiếp tục nộp với hy vọng sẽ mua được một căn NƠXH tại dự án này. “Dự án NƠXH tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh) cũng vẫn còn căn hộ cho thuê, nhưng tôi không muốn thuê mà chỉ muốn mua đứt” - chị Hồng nói.
Lý giải cho điều này, một số chuyên gia BĐS cho rằng, tâm lý sở hữu nhà vẫn còn phổ biến ở hầu hết người dân Việt Nam. Ngay cả giới trẻ, khi chưa đủ tiềm lực tài chính để mua nhà cũng vẫn muốn được sở hữu nhà. Do đó, tâm lý e dè khi đi thuê nhà là thực tế diễn ra ở nhiều người.
Theo khảo sát hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có khá nhiều dự án NƠXH có căn hộ để cho thuê dài hạn với mức giá ưu đãi theo khung quy định của TP, nhưng vẫn không thực sự thu hút được khách hàng. Có thể kể đến như: Dự án NƠXH tại Khu đô thị mới Quốc Oai (huyện Quốc Oai), dự án NƠXH Đông Hội (huyện Đông Anh), dự án NƠXH Phú Lãm (Hà Đông)... Đa số người dân vẫn muốn mua thay vì thuê NƠXH.
Đại diện chủ đầu tư dự án NƠXH tại Khu đô thị mới Quốc Oai (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) cho biết, đối với những sản phẩm thực hiện theo cơ chế người dân cùng góp vốn xây dựng theo từng đợt thanh toán, sau này nhà sẽ thuộc sở hữu riêng thì hồ sơ đăng ký rất nhiều. Còn đối với những căn hộ để cho thuê dài hạn, ngay cả khi đã có sản phẩm rồi mà người dân vẫn không mặn mà cho lắm.
Theo Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), dự kiến đến năm 2020, Hà Nội cần thêm khoảng 2 triệu m2 sàn NƠXH. Việc phát triển NƠXH thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, chính quyền và người dân. Tuy nhiên, kết quả phát triển NƠXH vẫn hạn chế do thiếu nguồn vốn, quỹ đất, trong khi DN kinh doanh BĐS chưa thực sự đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc này và tâm lý của người dân là muốn sở hữu thay vì thuê.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tại Hàn Quốc, người nghèo, người không đủ khả năng thuê nhà sẽ được Chính phủ cho thuê nhà với mức giá thấp hơn thị trường khoảng 30%. Nhóm có thu nhập cao hơn được áp dụng phí thuê nhà thấp hơn giá thị trường khoảng 15 - 16%. Đối với nhóm có thu nhập trung bình, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn để họ có thể mua nhà.
Còn tại Thái Lan, tất cả các dự án NƠXH đều được Chính phủ giao cho các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư xây dựng, nhưng Chính phủ đưa ra cơ chế về mức lãi suất cho vay thấp hơn so với lãi suất thị trường (từ 3 - 4%) trong vòng 3 - 5 năm đầu tiên khi người dân tiếp cận dự án.
Do đó, từ những kinh nghiệm của các quốc gia lân cận, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sửa đổi về cơ chế đối với NƠXH, đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM phải có cơ chế đặc thù trong quá trình phát triển NƠXH, tạo cơ chế mở cho cả chủ đầu tư và người dân.
Theo khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở 2014, đối với dự án xây dựng NƠXH mà không thuộc khu vực phải lập dự án đầu tư xây dựng NƠXH riêng để cho thuê thì chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê; chủ đầu tư được hưởng cơ chế ưu đãi xây dựng nhà ở để cho thuê đối với phần diện tích 20% NƠXH để cho thuê và được bán nhà ở này cho người đang thuê theo quy định về bán nhà ở xã hội, sau thời hạn 5 năm cho thuê.
Theo Hà Vy/ Baoxaydung