Bán đảo Thanh Đa, vị trí được quy hoạch làm dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa hiện đang được đánh giá là một khu “đất vàng” có quy mô lớn nhất khu vực trung tâm TP HCM hiện nay.
Vào năm 1992, dự án KĐT Bình Qưới – Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Năm 2010, UBND TP HCM đã thu hồi quyết định trên.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Thời điểm đó, thông tin về “siêu đô thị” tương lai này được lan truyền rộng rãi với những mỹ từ được sử dụng để tô vẽ cho dự án. Cùng với đó, giá nhà đất ở khu vực Thanh Đa - Bình Quới đã tăng “chóng mặt” với hi vọng một ngày không xa, một siêu đô thị đẳng cấp sẽ mọc lên tại khu vực này.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, Bitexco bất ngờ thông báo Emaar Properties PJSC đã rút khỏi dự án với lý do được Bitexco đưa ra là Emaar đề xuất các ưu đãi ngoài các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, yêu cầu xác định chính xác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin miễn, giảm giá trị tiền sử dụng đất và các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời hạn bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư, đồng thời khẳng định nếu các điều kiện này chưa rõ thì Emaar chưa tham gia đầu tư dự án.
Đối tác ngoại rút lui đồng nghĩa với việc Bitexco vẫn chưa thể triển khai dự án, và cuộc “tháo chạy” của Emaar đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực tài chính của Bitexco khi chỉ trông chờ vào “vốn ngoại” để thực hiện dự án “khổng lồ” này.
Bán đảo Thanh Đa. Ảnh: Pháp luật TP HCM.
Về việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án, Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết, TP HCM đã từ bỏ ý định chỉ định thực hiện dự án Bình Qưới – Thanh Đa mà sẽ tổ chức đấu thầu. Hiện có ít nhất 4 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ ký tham gia, trong đó có một nhà đầu tư sẵn sàng ứng tới 3 tỷ USD để triển khai dự án.
“Thành phố đang tập hợp, đưa ra những tiêu chí cụ thể chọn nhà thầu”, Chánh văn phòng UBND TP cho hay.
Thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp có động thái “xí” phần các khu đất tại “siêu” dự án này nhưng không có năng lực thực hiện khiến dự án “treo” nhiều năm. Theo các chuyên gia, để biến dự án này thành hiện thực, nhất thiết tìm được nhà đầu tư có năng lực thật sự.
Để tìm được những nhà đầu tư có năng lực thực sự, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa dự án này ra đấu thầu rộng rãi. Đồng thời, để các nhà đầu tư nước ngoài có thề tham gia được, cần thiết phải công khai thông tin đấu thầu rộng rãi mang tính quốc tế và cần phải có thời gian cần thiết để các nhà đầu tư nghiên cứu hồ sơ và đưa ra quyết định tham gia dự thầu.
Trước đó, UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, đồng thời có phương án tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của UBND TP.
Trong thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, UBND quận Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân khu vực dự án.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân. Bởi đây là dự án có quỵ mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án.
Cũng liên quan đến “siêu” dự án Bình Qưới – Thanh Đa, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP HCM khóa IX diễn ra ngày 11/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã cam kết sẽ chỉ đạo triển khai nhanh dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Ông Phong khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm chứ không thể kéo dài mãi tình trạng “treo” lâu năm tại dự án này.
Hải Lan