Nguy hiểm tiềm tàng từ những món 'đặc sản' sản xuất bằng bì lợn thối

(Kinhdoanhnet) - Bì lợn là nguyên liệu không thể thiếu để tạo ra nem chua, nem thính, bóng bì, cơm tấm sườn bì, nộm bì… Tuy nhiên, nhiều cơ sở vì chạy theo lợi nhuận đã sản xuất những món ‘đặc sản’ này bằng bì lợn thối gây nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Bì lợn là một trong những nguyên liệu chính để chế biến các món ăn hàng ngày như canh bóng bì lợn, cơm tấm bì, nấu thịt đông, làm nem chua, nem thính… 

Nguy hiểm tiềm tàng từ những món 'đặc sản' sản xuất bằng bì lợn thối - Ảnh 1
Nguyên liệu chính của các món ‘nem đặc sản’ là bì lợn

Theo Đông y, bì lợn vị mặn, ngọt, tính bình, có công dụng thông sữa, bổ huyết và làm mịn da. Nguyên do là bì lợn rất giàu protein (nhiều gấp 2 lần thịt lợn) và chứa nhiều khoáng chất như canxi, sắt, phốt pho. Đặc biệt là protein có trong bì lợn chứa nhiều collagen giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp làn da tươi trẻ hơn.

Tuy nhiên có một thực tế, bì lợn hiện là một trong những nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất. Minh chứng rõ nhất cho việc này là cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ vận chuyển bì lợn thối với số lượng lớn đem đi tiêu thụ. Và theo lời khai của chủ món hàng, hầu hết số bì lợn thối này đều sẽ được "phù phép" thành những món đặc sản thơm ngon như: Nem chua, bóng bì....

Nhiều chợ tại Hà Nội như Vân Trì, Minh Khai hay các quán cóc đều bán nộm bì lợn với giá chỉ 50.000 đồng/kg. Người tiêu dùng rất khó để nhận biết được chất lượng của loại nộm này vì toàn bộ sợi bì phủ kín thính và gia vị. Trong khi đó, rất nhiều cơ sở bị phát hiện có hành vi gian dối khi sản xuất nộm bì, nem chua… từ bì lợn thối và hóa chất tạo giòn, dai và màu.

Nguy hiểm tiềm tàng từ những món 'đặc sản' sản xuất bằng bì lợn thối - Ảnh 2
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển, chế biến bì lợn thối trong thời gian qua

Mới đây, cơ sở chế biến của bà Nguyễn thị Tư tại huyện Bến Lức (Long An) đang chuẩn bị xuất một tấn bì lợn ra thị trường tiêu thụ đã bị cơ quan chức năng phát hiện kịp thời. Tại cơ sở này, cơ quan chức năng phát hiện gần 60kg hóa chất không rõ nguồn gốc dùng để tẩy trắng bì lợn và hóa chất ghi trên bao bì là “Phèn đơn” dùng trong công nghiệp giấy và xử lý nước. Toàn bộ bì lợn được chế biến trên nền gạch dơ bẩn.

Bà Tư thừa nhận, đã thuê địa điểm để kinh doanh được hơn nửa năm, mỗi ngày có khoàng 100kg được đưa đi tiêu thụ tại huyện và TP Tân An.

Trước đó, cơ sở của ông Lê Văn Lực (TP Thanh Hóa) cũng thừa nhận mua 800kg bì lợn thối với giá 8 triệu đồng tại các tỉnh phía Nam về thành phố để chế biến nem chua. Ngoài ra, còn 3 cở sở sản xuất bị lợn khác tại Quận 8, TP.HCM cũng thừa nhận chuyên thu gom hàng trăm kg da lợn ở các chợ đầu mối và một số địa điểm trôi nổi về sơ chế bán cho các quán bóng bò, cơm tấm sườn bì, chả bánh mỳ…

PGS.TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng cục an toàn thực phẩm cho biết, nhiều cơ sở sản xuất sử dụng oxy già, nước javen và các chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit có tính tẩy mạnh để làm sạch bì lợn. Ăn thường xuyên bì lợn được tẩy trắng bằng hóa chất sẽ dẫn tới ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ ung thư.

Chưa kể, việc sử dụng oxy già hay các chất tẩy rửa công nghiệp chỉ có tác dụng làm trắng bì lợn thối, không thể diệt hết các loại vi khuẩn, ấu trùng, mầm lây bệnh. Nếu ấu trùng giun cuộn chưa bị tiêu diệt trong quá trình sơ chế và xử lý bóng bì, người tiêu dùng ăn phải có thể bị bệnh giun cuộn.

Dung Nguyễn (Theo VietQ, Đời sống pháp luật)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục