Tổng CTCP Bảo Minh (Bảo hiểm Bảo Minh, MCK: BMI, sàn HoSE) là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước, do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC nắm 50,7% vốn điều lệ.
Bảo hiểm Bảo Minh ra đời từ năm 2004 và được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2006, sau đó chuyển sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong năm 2008.
Sau 18 năm hoạt động, Bảo hiểm Bảo Minh là thương hiệu trong Top các doanh nghiệp hoat động trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam. Hiện nay, công ty có vốn điều lệ 1.096 tỷ đồng.
Theo báo cáo số 1418/2022-BM/VPHĐQT, trong 6 tháng đầu năm 2022 tổng doanh thu của toàn hệ thống Bảo hiểm Bảo Minh đạt 2.960,7 tỷ đồng, tăng 13,12% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 51,94% kế hoạch cả năm.
Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 2.068 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư lại giảm hơn 310 tỷ, ở mức 6.160 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tổng công ty báo lãi sau thuế gần 140 tỷ đồng, tăng nhẹ so với nửa đầu năm 2021.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của doanh nghiệp là gần 7.178 tỷ đồng, giảm 3% tương ứng 210 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn, đạt 6.367 tỷ đồng.
Nợ phải trả ở mức gần 4.890 tỷ đồng, hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu (2.289 tỷ đồng) và hầu hết là khoản nợ ngắn hạn (4.888 tỷ đồng). So với thời điểm cuối năm 2021, nợ phải trả của BMI đã giảm 163 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Bảo Minh lên kế hoạch tổng doanh thu là 5.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với thực hiện năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 11% lên mức 340 tỷ đồng. ROE tối thiểu đạt 10%, tỷ lệ chia cổ tức ít nhất 15%.
Tháng 4/2022, Tổng công ty đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2021 với tỷ lệ 15% (tức là cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.500 đồng).
Bảo hiểm Bảo Minh chủ yếu đầu tư vào các công ty liên doanh, chứng khoán niêm yết, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản gửi ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Tính đến 30/6/2022, Bảo hiểm Bảo Minh đang có gần 3.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, các tổ chức tín dụng đến ngày đáo hạn. Việc mang hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng, tổ chức tín dụng giúp Bảo hiểm Bảo Minh thu về 120 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng năm 2022.
Bên cạnh đó, việc đầu tư và chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khiến Bảo hiểm Bảo Minh đang đứng trước nguy cơ mất cả trăm tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của Bảo hiểm Bảo Minh thể hiện, công ty này đang có hai khoản đầu tư hơn 77 tỷ đồng vào trái phiếu của Công ty Sông Đà Thăng Long và Vinashin đã quá hạn, hiện nay các tổ chức này đã mất khả năng thanh toán khiến khoản đầu tư này cũng khó có thể đòi lại.
Ngoài ra, Bảo hiểm Bảo Minh còn đầu tư 20 tỷ đồng vào chứng khoán NOS – CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông. Tính đến 30/6/2022, khoản đầu tư này có giá trị ghi sổ là 4,7 tỷ đồng. Trong khi, giá thị trường của cổ phiếu NOS dao động ở mức 1.700 – 2.300 đồng/CP.
Trong khi đó, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của NOS thể hiện, Bảo hiểm Bảo Minh góp vốn 20 tỷ đồng vào công ty này. Tuy nhiên, công ty này đang đứng trước bờ vực phá sản khi mà lợi nhuận sau thuế của NOS đang ở mức gần 4.650 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty âm tới 4.390 tỷ đồng. Việc các cổ đông sở hữu vốn tại NOS có thể thu hồi vốn là điều gần như không thể.
Báo cáo tài chính của NOS cũng thể hiện, công ty đang nợ Bảo Minh Sài Gòn hơn 32 tỷ đồng, song cũng không thể đưa ra ước tính có khả năng trả khoản nợ này hay không.
Nhìn qua các khoản nêu trên, có thể thấy Bảo hiểm Bảo Minh đang đứng trước nguy cơ mất khoảng 130 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm Bảo Minh còn đang vướng mắc trong vụ kiện đòi bồi thường với CTCP Vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định, với yêu cầu đòi bồi thường từ khách hàng là 66,65 tỷ đồng. Hiện nay vụ kiện chưa kết thúc, nên công ty này cũng chưa ghi nhận chi phí dự phòng nghĩa vụ phải trả nào liên quan đến vụ việc này.