CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) và CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) là 2 trong số những nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam. Suốt nhiều năm qua, tổng nguồn vốn của 2 doanh nghiệp này là tương đương nhau. Chẳng hạn như năm 2013, tổng nguồn vốn của Địa ốc Hòa Bình là 4.726 tỷ đồng trong khi Coteccons là 4.552 tỷ đồng. Năm 2014, tổng nguồn vốn của Địa ốc Hòa Bình đạt mức 5.803 tỷ đồng, lớn hơn 940 tỷ đồng so với tổng nguồn vốn của Coteccons. Đến năm 2015, tổng nguồn vốn của Coteccons và Địa ốc Hòa Bình là gần tương đương nhau, lần lượt là 7.815 tỷ đồng và 7.291 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2015 của Địa ốc Hòa Bình chỉ bằng 37% doanh thu của Coteccons trong khi tổng nguồn vốn gần tương đương nhau. Ảnh: T.L
Tuy nhiên, con số doanh thu năm 2015 của Địa ốc Hòa Bình chỉ đạt 5.078 tỷ đồng, bằng 37% con số doanh thu 13.668 tỷ đồng của Coteccons trong năm 2015.
Vậy, vì đâu mà cùng một lượng vốn gần tương đương nhau nhưng Địa ốc Hòa Bình lại chỉ tạo ra lượng doanh thu bằng 37% lượng doanh thu mà Coteccons tạo ra?
Mấu chốt nguyên nhân nằm ở sự khác biệt về cơ cấu nguồn vốn giữa 2 công ty.
Tương đương mà cũng chẳng tương đương
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016, ông Lê Viết Hải – Tổng Giám đốc Địa ốc Hòa Bình khi bị cổ đông chất vấn vì sao giá cổ phiếu của Địa ốc Hòa Bình lại thấp hơn đối thủ Coteccons nhiều đến thế, từng thừa nhận rằng: “Cách đây 3-5 năm, tiềm lực của Hòa Bình và Coteccons không chênh lệch nhau đáng kể. Song hiện nay, thị giá cổ phiếu của Hòa Bình so với Coteccons đúng là đang rất thấp. Đây là một vấn đề chúng tôi trăn trở rất nhiều”.
Thực tế thì tiềm lực của Địa ốc Hòa Bình và Coteccons tương đương nhau không phải chỉ ở thời điểm cách đây 3-5 năm như ông Hải nói mà ngay cả 3-5 năm gần đây vẫn vậy, nếu xét về mặt tổng nguồn vốn. Còn nếu xét về tiềm lực vốn chủ sở hữu thì Địa ốc Hòa Bình chưa bao giờ so sánh được với Coteccons, dù là 3-5 năm trước đây hay cả 10 năm trở lại đây.

Thống kê cho thấy Địa ốc Hòa Bình chưa bao giờ sánh được Coteccons về lượng vốn chủ sở hữu. Ảnh: T.L
Chỉ xét riêng giai đoạn 2009 – 2011, lượng vốn chủ sở hữu của Coteccons đã luôn duy trì ở mức gần gấp 2 lần lượng vốn chủ sở hữu của Địa ốc Hòa Bình. Giai đoạn sau là từ 2012 – 2015, lượng vốn chủ sở hữu của Coteccons đang ngày càng bỏ xa Địa ốc Hòa Bình và đến hết năm 2015, lượng vốn chủ sở hữu của Coteccons đã gấp tới hơn 3 lần lượng vốn chủ sở hữu của Địa ốc Hòa Bình.
Vì đâu doanh thu quá chênh lệch?
Mặc dù bị Coteccons bỏ xa về vốn chủ sở hữu nhưng về mặt tổng nguồn vốn, Địa ốc Hòa Bình vẫn gần tương đương với Coteccons, với con số tổng nguồn vốn lần lượt là 7.291 tỷ đồng và 7.815 tỷ đồng tính đến hết năm 2015. Về lý thuyết thì với một nguồn lực gần bằng nhau thì 2 công ty tương đương nhau về công nghệ, uy tín… sẽ tạo ra doanh thu gần bằng nhau. Việc vay nợ nhiều chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận bởi công ty vay nợ nhiều hơn sẽ phải chịu chi phí lãi vay lớn hơn, do đó lợi nhuận thấp hơn.
Tuy nhiên, thực tế lại khác!
Điểm khác biệt giữa Coteccons và Địa ốc Hòa Bình rất rõ ràng, đó là nằm ở vấn đề nợ vay và chênh lệch vốn chủ sở hữu. Trong khi năm 2015, Coteccons không hề vay nợ thì Địa ốc Hòa Bình lại vay một lượng vốn bằng tới 190% lượng vốn chủ sở hữu. Điều này tạo ra áp lực trả nợ gốc và lãi vay khủng khiếp.
Hàng kỳ, có thể theo từng tháng, từng quý hoặc từng năm, lúc nào Địa ốc Hòa Bình cũng nơm nớp trong nỗi lo trả lãi vay. Đó là còn chưa kể đến lượng nợ gốc khổng lồ phải thanh toán. Với lượng vốn vay gấp tới 1,9 lần vốn chủ sở hữu thì áp lực trả lãi vay và nợ gốc là rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2015, chi phí lãi vay của Địa ốc Hòa Bình đã lên tới 129 tỷ đồng, qua đó bào mòn 43,7% lợi nhuận gộp. Việc thường xuyên phải đối mặt với áp lực lãi vay và nợ gốc trong khi vốn chủ sở hữu không nhiều khiến Địa ốc Hòa Bình “không dám” nhận nhiều công trình như Coteccons, vì càng nhiều công trình, vốn đối ứng mà công ty phải chi ra càng lớn, trong khi công ty này còn phải dành rất nhiều tiền cho hoạt động trả lãi vay và nợ gốc hàng kỳ.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc mặc dù gần tương đương về tổng nguồn vốn nhưng doanh thu của Địa ốc Hòa Bình chỉ bằng 37% doanh thu của Coteccons tính trong năm 2015, là nằm ở vấn đề chênh lệch vốn chủ sở hữu. Việc lượng vốn chủ sở hữu của Địa ốc Hòa Bình chỉ bằng 1/3 lượng vốn chủ sở hữu của Coteccons tính đến hết năm 2015 cũng khiến Địa ốc Hòa Bình không thể nhận nhiều công trình như Coteccons, bởi càng nhiều công trình thì rủi ro về các khoản phải thu càng lớn. Là một đơn vị đặt uy tín lên hàng đầu nên thường xuyên Coteccons cũng như Địa ốc Hòa Bình phải thanh toán tiền cho các nhà cung cấp đầy đủ, trong khi các chủ đầu tư thì chưa chắc đã thanh toán tiền cho nhà thầu như Coteccons và Địa ốc Hòa Bình đúng thời hạn, làm tất yếu phát sinh các khoản phải thu, hay trong thầu xây dựng còn gọi là nợ đọng.
Vì rằng Coteccons không chịu áp lực nợ vay, tiềm lực vốn chủ sở hữu cũng lớn hơn Địa ốc Hòa Bình rất nhiều nên dĩ nhiên công ty này có thể “chịu đựng” lượng nợ đọng cao hơn nhiều so với Địa ốc Hòa Bình, đồng nghĩa với việc có thể nhận nhiều công trình hơn nhiều Địa ốc Hòa Bình, do đó doanh thu của Coteccons cũng lớn hơn nhiều.

Sự khác biệt về cơ cấu nguồn vốn là mấu chốt tạo ra sự chênh lệch doanh thu giữa Coteccons và Địa ốc Hòa Bình. Ảnh: Internet
Việc vốn chủ sở hữu của Địa ốc Hòa Bình thấp hơn nhiều Coteccons cũng khiến doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn khi đấu thầu với Coteccons, vì khi chấm điểm tài chính, Địa ốc Hòa Bình coi như “thua trắng”. Trong khi đó, uy tín, kinh nghiệm cũng như công nghệ của 2 doanh nghiệp này là như nhau nên khả năng thắng thầu của Coteccons là cao hơn hẳn, nhờ vậy mà Coteccons kiếm được nhiều dự án màu mỡ hơn. Điều này càng làm trầm trọng thêm khoảng cách về doanh thu giữa Địa ốc Hòa Bình và Coteccons.
Một nguyên nhân khác tiếp tục tạo ra vòng luẩn quẩn khiến Địa ốc Hòa Bình gần như không bao giờ đuổi kịp Coteccons, đó là vấn đề liên quan đến lợi nhuận. Lượng lãi vay “khủng” vẫn liên tục bào mòn phần lớn lợi nhuận của Địa ốc Hòa Bình trong khi lợi nhuận của Coteccons đã lớn lại còn không chịu lãi vay khiến lợi nhuận của 2 công ty này ngày càng chênh lệch, dẫn đến vốn chủ sở hữu cũng ngày càng chênh lệch. Khi mà vốn chủ sở hữu ngày càng chênh lệch thì lại tiếp tục dẫn đến doanh thu ngày càng chênh lệch theo những phân tích đã nêu ở phần trên.
Có thể nói, việc so sánh giữa 2 “ông trùm” thầu xây dựng là Địa ốc Hòa Bình và Coteccons giờ đây không còn nhiều ý nghĩa nữa bởi Coteccons đã tỏ ra quá vượt trội so với Địa ốc Hòa Bình cả về doanh thu, lợi nhuận lẫn tiềm lực tài chính.
Tùng Lâm