Người mua quan sát và chờ đợi, mua bán căn hộ ở TP.HCM giảm mạnh

Tỷ lệ tiêu thụ chung cư tại TP.HCM và vùng phụ cận tháng 7/2024 giảm 94% so với cùng kỳ, người mua quan sát thị trường khi chờ các luật mới có hiệu lực

Theo Báo cáo Thị trường BĐS TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA, trong tháng 7 vừa qua, TP.HCM và phụ cận đón nhận 625 căn hộ chung cư mới từ giai đoạn mở bán tiếp theo của 9 dự án, tăng 9% so với tháng trước nhưng sụt giảm tới 84% so với cùng kỳ tháng 7/2023.

Nguồn cung mới tập trung tại TP.HCM và Bình Dương, lần lượt chiếm 36% và 39% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Hầu hết thuộc phân khúc căn hộ hạng B và C, phân bổ chủ yếu tại khu Đông TP.HCM hay tại TP.Dĩ An (Bình Dương).

Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới ở mức thấp, đạt 189 căn, giảm 94% so với cùng kỳ, phần nào bị ảnh hưởng do người mua lựa chọn quan sát diễn biến thị trường khi các luật mới có hiệu lực vào đầu tháng 8/2024.

Tại TP.HCM, tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung căn hộ mới tháng 7 giảm 94% so với cùng kỳ
Tại TP.HCM, tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung căn hộ mới tháng 7 giảm 94% so với cùng kỳ

Mặt bằng giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng nhanh chóng, tạo niềm tin nơi người mua.

Về giá bán, trên thị trường sơ cấp, giá chào bán thấp nhất 42 triệu đồng/m2 và cao nhất 57 triệu đồng/m2 (TP.HCM); 31-35 triệu đồng/m2 (Đồng Nai); 29-48 triệu đồng/m2 (Bình Dương); 48-53 triệu đồng/m2 (Bà Rịa - Vũng Tàu). “Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng khoảng 1% so với lần mở bán trước đó. Tuy nhiên, các chính sách kích cầu thị trường tiếp tục được áp dụng nhằm tăng thanh khoản”, DKRA cho biết.

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố hoặc biệt thự có nhiều cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức tăng khoảng 14% so với tháng trước. Đồng Nai và TP.HCM chiếm 85% tỷ trọng nguồn cung mới, khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 15% tỷ trọng cung còn lại. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình, lượng tiêu thụ tương ương khoảng 50% trên tổng cung mới của tháng, giảm 17% so với tháng trước.

Đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, sức cầu chung thị trường giảm đáng kể, mặt bằng giá bán không có nhiều biến động rõ nét so với tháng trước. Những chính sách cam kết hay chia sẻ lợi nhuận, doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… tiếp tục được áp dụng nhằm gia tăng thanh khoản. Theo DKRA, vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chưa thể mở bán, trong khi lượng hàng tồn kho giá trị cao khiến thanh khoản gặp khó, bên cạnh đó niềm tin của người mua chưa khôi phục cũng là những nguyên nhân chính khiến phân khúc này vẫn kéo dài tình trạng khó khăn.

Nam Phương

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục