Khởi nghiệp từ mỳ gói
Để đến với thành công ngày hôm nay, đại gia sàn chứng khoán Việt Nam đã phải trải qua không ít những khó khăn.
Ông Phạm Nhật Vượng mong muốn làm đẹp cho đời.
Quê ở Hà Tĩnh, Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có 3 anh em. Những năm khó khăn thời bao cấp, mẹ ông phải mở quán nước chè vỉa hè và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, Vượng kể, ông không có mơ ước lớn lao gì, "lúc đó chỉ muốn phụ giúp gia đình".
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Kinh tế địa chất tại Moscow, ông Vượng cưới Phạm Thu Hương, người yêu từ suốt mấy năm đại học, rồi cặp vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống.
Đây cũng là lúc bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp mỳ gói huyền thoại của Phạm Nhật Vượng. Vay mượn được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD, ông Vượng mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên Thăng Long. Sau đó, ông về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền hiệu Mivina, bán cho dân bản địa. Sản phẩm của Technocom, doanh nghiệp của ông Vượng thành lập năm 1993 hoàn toàn xa lạ với Ukraine nhưng lại nhanh chóng được đón nhận.
Trong mấy năm liên tiếp, Technocom nhập dây chuyền mỳ ăn liền từ Việt Nam và Đài Loan, liên tục mở nhà máy mới mà không đủ sản phẩm để bán và nhanh chóng có những sản phẩm mới “làm bạn” với người nội trợ Ukraine.
Đến với BĐS là một cái duyên
Năm 2001, khi bắt đầu có tiền lời kha khá từ Technocom, ông tính gửi ngân hàng Quốc tế, nhưng lãi suất 0,8% mỗi năm quá thấp khiến ông hậm hực nhớ lại thời khởi nghiệp phải vay mượn lãi suất đến 8%/tháng. Ông Vượng quyết định đầu tư về Việt Nam và tới NhaTrang, nơi chưa có nhiều nhà đầu tư, ông được các quan chức địa phương chào đón như nhà đầu tư nước ngoài.
Vingroup không miễn nhiễm với những khó khăn chung của nền kinh tế, mà cụ thể là thị trường BĐS đang chìm đắm trong nợ xấu và thiếu thanh khoản. Tính đến cuối tháng 5/2013, Vingroup nợ gần 20.000 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay tín dụng.
Trải qua nhiều khó khăn nhưng trong năm 2013, Vingroup đã tạo nên thành công lớn khi hoàn tất 2 dự án lớn ở Hà Nội là Times City và Royal City.
Tài sản “khủng” hiện nay
Không những bản thân ông Vượng liên tiếp nắm vị trí “quán quân” về độ giàu có mà gia đình ông cũng vẫn vững vị trí số 1 trong top những gia đình “lắm tiền nhiều của” nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Với khối tài sản tính theo giá trị cổ phiếu VIC là hơn 20.000 tỷ đồng mà ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đang có đã đủ độ giàu có để lấn lướt các gia đình khác trên sàn.
Mỗi năm, doanh nhân này nhận được hàng triệu USD tiền cổ tức, cổ phiếu thưởng, thù lao từ chính doanh nghiệp của mình.
Cộng thêm giá trị tài sản của bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng), bà Phạm Thúy Hằng (em bà Hương), bà Phạm Hồng Linh (chị bà Hương), ông Phạm Nhật Vũ (em trai ông Vượng) và ông Nguyễn Quốc Thành (chồng bà Hằng) khiến cho đại gia đình ông Phạm Nhật Vượng trở thành đối thủ “nặng ký” nhất với khối tài sản “khủng” là 27.109 tỷ đồng.
Với tổng tài sản khủng, Chủ tịch Vingroup lại quan niệm, tiền không mang được theo khi đã chết nên thay vì đếm xem tài sản tăng lên bao nhiêu mỗi quý, ông muốn “để lại thứ gì đó cho đời”.
Ông chủ Vingroup muốn biến Hà Nội và Sài Gòn thành điều gì đó tương tự như Hồng Kông hay Singapore và ông sẽ cảm thấy hạnh phúc dù điều đó khiến ông mất một vài tỷ đôla.
Nguyễn Hằng (TH)