Kho tiền cổ của ông Nguyễn Văn Thạo (49 tuổi, ở Bắc Ninh) lên tới hàng tấn và có đầy đủ mệnh giá từ thời triều đại đầu tiên tới cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.Trong giới chơi tiền cổ, không ai không biết danh ông Nguyễn Văn Thạo (49 tuổi), trú tại Bắc Ninh - người được gọi ông là "vua tiền cổ" với kho tiền khổng lồ có một không hai.
Trong bộ sưu tập của ông có đầy đủ các mệnh giá tiền theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ đồng tiền đầu tiên Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh (968 - 980) đến đồng Bảo Đại Thông Bảo của vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn (1926 – 1945), ông vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Ngoài ra, bộ sưu tập của ông còn có bộ tiền giấy qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ và bộ tiền thẻ, tiền thỏi bằng vàng, bạc quý giá khác.
Duyên nghiệp với tiền cổ
Sinh ra và lớn lên từ cái nôi vùng sản xuất gốm Chu Đậu nổi tiếng, từ bé, ông Thạo đã được tiếp xúc với những đồ vật cổ bằng gốm từ nhỏ. Khi còn cắp sách tới trường, ông thường giữ lại những chiếc bút hỏng mà các bạn vứt bỏ. Lâu dần số bút đó lên hàng trăm cái đủ các loại từ bút bi, bút chì, bút mực... Bộ sưu tập bút cũng từ đó được các bạn trong lớp, trong trường biết đến.
Ông Nguyễn Văn Thạo (49 tuổi), ở Bắc Ninh được mệnh danh là "vua tiền cổ Việt Nam".
Trong một lần ra quán đồng nát tìm kiếm bút và tem thư, tiếc nuối khi chứng kiến cả rổ đồng tiền xu hình tròn, lỗ vuông bị đập móp, bán giá đồng nát, ông Thạo gom toàn bộ tiền tiết kiệm mua hết số đồng xu đó. Về nhà, ông lau chùi sạch sẽ rồi cất gọn vào chiếc vại sành để trong buồng. Thỉnh thoảng ông mang ra ngắm rồi... lại cất cẩn thận.
Lớn thêm chút nữa, có lần trời mưa lớn, nước lũ xối xả từ con kênh chảy qua những gò đồi sau nhà phát lộ ra những mảnh sành, mảnh sứ cổ kèm theo những đồng xu tròn dẹt. Cả làng đổ xô cầm cuốc, xẻng hò nhau đi đào bới tìm cổ vật. Cậu bé Thạo cũng tranh thủ gom được một số đem về ngắm so sánh với những đồng tiền có được trước đó nhưng những ký tự trên mặt đồng tiền luôn là điều bí ẩn.
Dấu hỏi về lịch sử, niên đại của những đồng xu này luôn lớn dần trong đầu ông từ đó.
Sau khi tốt nghiệp, ra trường, ông Thạo trở thành nhân viên của Công ty thủy lợi 1 – Bộ Thủy lợi. Trong quá trình công tác, ông thường xuyên đi công tác. Mỗi chuyến về các địa phương, anh chứng kiến nhiều nơi phát lộ những đồng xu cũng hình tròn, lỗ vuông nhưng có nhiều kích thước và ký tự khác nhau. Những đồng tiền này nhanh chóng bị nhòm ngó và được gạ mua với giá rẻ. Sau đó chúng bị bán sang Trung Quốc.
"Mang vài mẫu về tra khảo sách, tôi bất ngờ phát hiện một trong những mẫu đó là tiền cổ từ thời sơ khai nước nhà, vô cùng quý giá", ông Thạo kể lại thời khắc khiến ông bén duyên với tiền cổ. Từ đó, hễ nghe ở đâu phát hiện được tiền cổ, đồng xu bạc màu là ông có mặt để xem, nghe kể lại quá trình phát hiện rồi mua về lưu giữ.
Đổi cá mắm lấy tiền cổ
Đầu những năm thập niên 1990, chàng trai tên Thạo đã quyết định bỏ nghề thủy lợi để một mình rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm trong các bản làng người dân tộc. Khắp vùng và các tỉnh Đông Bắc chưa có nơi nào ông chưa đặt chân qua.
Trong những chuyến đi để đời ấy, ông Thạo không thể nào quên được cảnh cơm nắm muối vừng lóc cóc trên chiếc xe Minsk đã được bọc xích vượt qua những cung đường núi, đèo hiểm trở sình lầy bùn đất để vào bản lần theo dấu phát tích của những đồng xu gỉ màu. Có đận, ông lên bản người Mông (Hà Giang) đúng thời điểm cuối hành trình khi trong người chỉ còn vài đồng bạc lẻ với đùm cá mắm mặn dự trữ. Trước thông tin trong bản mới phát lộ chum tiền xu, ông quyết tâm ở lại để được mục sở thị chúng.
Nhưng vị già làng đã qua độ tuổi lục tuần quắc thước ấy nhất quyết không bán dù được trả giá nào. Kiên nhẫn vài ngày, tiền trong túi đã hết nhưng không có tín hiệu khả quan, ông đành dùng cá mắm đổi lấy cơm ăn qua ngày trước khi về dưới xuôi. Thấy người trong bản quý cá mắm, những lần đi sau, ông mang theo nhiều hơn.
Một trong những chum tiền nguyên vẹn được anh Thạo đổi bằng cá mắm.
Sau vài lần, một hôm ông già bản này lạnh lùng kéo tay ông vào tận buồng trên gác huỳnh huỵch lăn ra một chum sành nặng chừng vài chục kí lô rồi dựng đứng giữa sàn nhà.
"Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy chiếc chum bám đầy đất bụi, bị sứt mẻ vài miếng ở miệng nhưng đặc những đồng xu ở bên trong", ông Thạo nhớ lại.
Vội lấy số tiền tích cóp trong túi đã để mua lại nhưng vị già làng lắc đầu cười chỉ tay về phía túi cá mắm. Ông Thạo liền đem tất cả số cá mắm còn lại trao cho vị già bản.
Mới đây, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã đề xuất kỷ lục “Người giữ và bảo vệ kho tiền cổ lớn nhất Việt Nam qua các thế kỷ” cho ông Nguyễn Văn Thạo.
Lần khác, một gia đình nông dân ở Bắc Giang trong quá trình đào móng làm sân thì phát hiện một chum tiền cổ. Mới nghe tin, ông phi một mạch về nhưng tới nơi chiếc hũ hình lọ hoa có nhiều họa tiết đẹp được tráng men màu lam đã bị chạm vỡ thành nhiều mảnh. Tiền xu ở bên trong dù ít nhưng là những đồng tiền quý thời loạn lạc triều nhà Mạc.
Tần ngẩn nhìn hũ tiền không còn nguyên vẹn, ông lặng lẽ gom từng mảnh vỡ, tiền rơi mang cho vào túi mang về.
Không chỉ một lần ấy mà hàng chục, hàng trăm lần khác chàng trai gốc Hải Dương rong ruổi một mình khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam lần theo, khám phá các đồng tiền cổ. Có những lúc niềm vui vỡ òa trong hạnh phúc khi tìm được đồng tiền quý hiếm, độc lạ nhưng ông cũng nếm trải không ít hiểm nguy rình rập.
Suốt quá trình hơn 20 năm săn tìm, sưu tập thứ tiền kim loại gỉ màu ấy đến giờ đây trong bộ sưu tập của ông có trên 6 tấn tiền xu cổ đủ các loại mệnh giá của từng triều từ thời nhà Đinh tới thời Bảo Đại, đời vua thời kỳ phong kiến cuối cùng.
Tuy nhiên, để có được bộ sưu tập đồ sộ hiện nay, ông đã trải qua không ít khó khăn, hiểm nguy, thậm chí có những đận lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì bao nhiêu tiền lương, vợ chồng đều đổ dồn vào những đồng xu được bới lên từ đất. Thậm chí có đận ông còn cắm cả sổ đỏ để lấy tiền chỉ để mua vài chum tiền cổ.
"Tôi chỉ muốn lưu giữ những nét văn hóa thể hiện trên các đồng tiền qua các triều đại cho thế hệ sau được hiểu sâu hơn về lịch sử đất nước", ông Thạo chia sẻ.
(Theo Zing)