Người dân nông thôn được vay vốn tối đa 100 triệu đồng

(Kinhdoanhnet) - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng với nhiều quy định mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn nhằm thay thế Nghị định 41.

Sau gần 4 năm triển khai, Nghị định 41 đã thực sự đi vào cuộc sống và có nhiều đóng góp to lớn vào việc đẩy mạnh tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua.

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định 41 đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp nông thôn.

Tính đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng đã đạt 671.986 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cuối năm 2012.

Người dân vùng  nông thôn sẽ được vay vốn tối đa 100 triệu đồng
Người dân vùng  nông thôn sẽ được vay vốn tối đa 100 triệu đồng

 

Tuy nhiên, nền kinh tế  phát triển ngày càng đi lên một số quy định trong Nghị định này đã không còn phù hợp vì thế mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành dự thảo Nghị định với nhiều quy định mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn nhằm thay thế Nghị định 41.

Theo đó đối tượng tham gia được mở rộng hơn, các hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ cần tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh là có thể được cấp tín dụng mà không cần ngay tại địa bàn nông thôn.

Ngay cả các cung cấp vật tư thiết yếu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; cho vay đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai khoáng, sản xuất thủy điện, nhiệt điện… cũng nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách.

Ngoài ra dự thảo cũng quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay không có tài sản bảo đảm, theo đó các cá nhân, hộ gia đình cư trú tại nông thôn được vay tối đa 100 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu như nghị định 41. Hộ kinh doanh được vay tối đa 300 triệu, tăng so với mức 200 triệu. Còn đối với hộ nuôi trồng thủy, hải sản hay khai thác xa bờ có ký hợp đồng với cơ sở và xuất khẩu trực tiếp thì được cho vay tối đa 500 triệu đồng.

Riêng hợp tác xã, chủ trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng so với mức quy định trước kia là 500 triệu đồng. Đối với hợp tác xã nuôi trồng, khai thác xa bờ hay cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ thì được cho vay 2 tỷ đồng.

Đặc biệt Dự thảo còn bổ sung cơ chế vay vốn cho loại hình liên hiệp hợp tác xã sẽ được vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng nếu hoạt động nuôi trồng thủy sản hay khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Về lãi suất cho vay, dự thảo quy định rõ lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của NHNN trong từng thời kỳ.

Về thời hạn cho vay, các tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thỏa thuận thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức tín dụng đối với khách hàng.

Một điểm mới nữa trong dự thảo đó là việc ưu tiên cấp tín dụng cho các loại hình nông nghiệp, nông thôn hiện đại hơn theo mô hình liên kết với nhau hay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng... sẽ được cấp tín dụng tối đa 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay dự án liên kết và 80% giá trị dự án sử dụng thiết bị công nghệ cao. Loại hình này sẽ được ưu tiên xem xét thời hạn trả nợ.

Không dừng lại tại đây, Ngân hàng nhà nước sẽ còn tiếp tục triển khai một loạt các giải pháp cụ thể, tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng đặc thù với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hoàng Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục