Người dân kiến nghị làm rõ sai phạm dự án trên 'đất vàng' của Vinafood II

Người dân khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM) tiếp tục có đơn kiến nghị về vấn đề liên quan đến việc mua bán khu đất “vàng” gần 6.300m2 gữa trung tâm TPHCM của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II)

Được biết, khu tập thể 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM tiền thân là khu nhà ở của Cán bộ công nhân viên Vinafood II. Sau đó, được phê duyệt chủ trương giải tỏa để làm dự án tổ hợp cao ốc văn phòng, khách sạn cho thuê.

Người dân kiến nghị làm rõ sai phạm dự án trên 'đất vàng' của Vinafood II - Ảnh 1
Khu đất 34 – 36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du được xem là khu “đất vàng” trung tâm Thành phố

Vinafood II và Công ty TNHH Thương mại – Quảng Cáo – Xây Dựng – Địa ốc Việt Hân ( Công ty Việt Hân ) thành lập liên doanh Công ty TNHH – Thương Mại – Dịch vụ - Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án từ năm 2009. Trong đó, Vinafood II góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, còn Công ty Việt Hân 80% vốn bằng tiền mặt.

Các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã nhanh chóng được triển khai. Tuy nhiên, gần 10 năm qua dự án này vẫn “án binh bất động” do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đến giữa năm 2018, các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bắt đầu tái khởi động nhưng không đạt được thỏa thuận. Theo người dân, chủ đầu tư đưa ra giá đền bù chỉ 125 triệu đồng/m2 là quá thấp vì giá thị trường ở khu vực này lên tới hơn 300 triệu đồng.

Trước đó, vào đầu năm 2019 trước phản ứng dữ dội của người dân khu tập thể và báo chí, tại văn bản số 89 ngày 05/01/2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc phối hợp các bộ ngành, xác minh, làm rõ các vấn đề và báo cáo trước ngày 01/03/2019, nhưng đến nay đã hơn 8 tháng, mọi thông tin về báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ vẫn “bặt vô âm tính” trong sự mỏi mòn chờ đợi của người dân.

“Ai đời, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng từ hồi tháng 3 mà giờ vẫn chưa có kết luận. Chúng tôi chờ đợi trong mỏi mòn vẫn không thể ổn định cuộc sống. Năm hết Tết đến rồi, đi không được mà ở cũng không xong”, bà Lê Thị Phương Thanh (khu 33 Nguyễn Du) bức xúc.

Trước sự việc trên, người dân tại khu tập thể đã tiếp tục có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Thường trực Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, để nêu rõ một số sai phạm và dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước của chủ đầu tư dự án là Công ty Việt Hân

Theo người dân, khu đất vàng này là miếng mồi béo bở cho các doanh nghiệp, họ chẳng cần làm dự án mà bán sang tay thôi đã kiếm lời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng trong chớp mắt. Ngoài việc chèn ép, đề bù rẻ mạt cho dân, họ đã lấy khu đất công sản này, chuyển nhượng qua lại nhiều lần để trục lợi. Không những vậy, khu đất này còn có nguồn gốc công sản, được doanh nghiệp Nhà nước là Vinafood II “phù phép”, chuyển nhượng với giá rẻ bèo cho Công ty Việt Hân thông qua hình thức hợp tác đầu tư. Mà các tài liệu cho thấy, việc hợp tác và chuyển nhượng khu đất là trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khu đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị vài ngàn tỷ đồng nhưng chỉ được chuyển nhượng chưa đến 800 tỷ, gây thất thoát hàng ngàn tỷ ngân sách Nhà nước.
 
Ngày 13/11, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã ngang nhiên cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai một số khu vực, làm náo loạn cuộc sống của các hộ dân ở đây. Theo người dân nơi đây thuật lại, đích thân ông Nguyễn Phước Bảo Anh, xưng là Giám đốc Công ty Việt Hân Sài Gòn đã dùng những lời lẽ khiếm nhã, thậm chí còn xua quân chèn ép người dân hòng cưỡng chiếm trái phép khu đất. Chỉ đến khi người dân phản kháng quyết liệt và chính quyền địa phương có mặt, vụ việc mới ngưng, đoàn người rút đi.

“Họ (Công ty Việt Hân Sài Gòn) hành xử thiếu văn hóa lắm, không chấp nhận được. Thậm chí, còn thách thức theo kiểu đất của họ, họ muốn làm gì thì làm. Lẽ nào đất chúng tôi sinh sống mấy chục năm, có giấy tờ pháp lý rõ ràng, bỗng thành đất người khác mà chúng tôi không hay biết?” - ông Võ Văn Kháng (người dân khu tập thể) bất bình.

“Nói thật, chúng tôi sẵn sàng bán nhà, chuyển nhượng nơi ở đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình, miễn sao đền bù hợp lý một chút. Ai đời đất mặt tiền quận 1, đo đạc, thẩm định hẳn hoi mấy năm trời mà đền bù có hơn 100 triệu đồng đồng/m2, trong khi giá trị thực tế hiện tại theo tôi biết là hơn 400 triệu/m2. Doanh nghiệp các anh làm kiếm lợi nhuận ngàn tỷ thì cũng phải nghĩ phương án đền bù, hỗ trợ cho chúng tôi có thể mua nhà, đất chỗ khác để ổn định cuộc sống chứ. Không lẽ bán nhà với giá rẻ mạt vậy xong trở thành vô gia cư!” - một người dân khu tập thể bày tỏ sự bất bình.

“Chúng tôi ở đây đa phần là Đảng viên, người có công cách mạng, gia đình thương binh liệt sỹ, đã cống hiến cả đời cho cách mạng. Sau 1975 trở thành cán bộ công nhân viên Vinafood 2. Cả đời cống hiến như vậy để rồi đến cuối đời một cuộc sống bình yên với một mái nhà ổn định chúng tôi cũng không thể có được. Chúng tôi thật sự rất buồn” - bà Trần Bạch Huệ (khu 34 – 36 Chu Mạnh Trinh ) không giấu nổi nước mắt.

Thy Thêu/ Gia đình và Pháp luật

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục