Nghịch lý hàng xa xỉ: Sức tiêu thụ ở Trung Quốc tăng mạnh nhưng nhà sản xuất lại không vui!

Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đã chứng tỏ "không thể ngăn cản" trong năm nay ngay cả khi đại dịch virus corona ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa đắt tiền trên toàn cầu.

Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đã chứng tỏ "không thể ngăn cản" trong năm nay ngay cả khi đại dịch virus corona ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa đắt tiền trên toàn cầu.

Nghịch lý hàng xa xỉ: Sức tiêu thụ ở Trung Quốc tăng mạnh nhưng nhà sản xuất lại không vui! - Ảnh 1

Một báo cáo được nền tảng mua sắm TMall của Alibaba và công ty tư vấn Bain công bố hôm thứ Tư cho biết thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc sẽ tăng trưởng 48% trong năm nay, đạt khoảng 346 tỷ nhân dân tệ (52,9 tỷ USD) bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch.

Theo hai công ty trên, mức tăng trưởng đó gần như sẽ gấp đôi tổng thị phần của Trung Quốc đại lục trong ngành công nghiệp này trên toàn cầu: từ 11% năm ngoái lên 20% trong năm 2020.

"Trung Quốc đại lục là thị trường hàng xa xỉ lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020. Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc hiện đang lớn hơn bao giờ hết", Bruno Lannes, người phụ trách bộ phận sản phẩm tiêu dùng và hoạt động bán lẻ của Bain, nói với CNN Business.

Tuy nhiên, đó không phải là tin tốt lành cho các nhà sản xuất hàng xa xỉ. Sự bùng nổ doanh số bán hàng ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng thường chi bạo cho các mặt hàng xa xỉ khi đi nghỉ ở nước ngoài. Theo Bain và Alibaba, tổng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc cho các sản phẩm xa xỉ đã giảm khoảng 35%.

"Thị phần mua hàng xa xỉ toàn cầu của Trung Quốc đại lục trong năm nay đã đạt mức cao nhất, nhưng sự tăng trưởng ở Trung Quốc đại lục không bù đắp được lượng tiêu thụ của người Trung Quốc khi đi du lịch nước ngoài bị mất đi", báo cáo cho biết.

Bain và Alibaba dự đoán thị trường hàng xa xỉ toàn cầu sẽ thu hẹp 23% vào năm 2020, do đại dịch tiếp tục làm hạn chế việc đi lại và mua sắm ở nhiều nơi.

Trung Quốc đã nhanh chóng ngăn chặn các đợt bùng phát virus corona sớm, cho phép nền kinh tế của nước này tăng trưởng trở lại. Đến tháng 4, người tiêu dùng nước này lại bắt đầu săn lùng túi xách, giày dép và đồ trang sức đắt tiền, mang lại cho các nhà bán lẻ một số hy vọng khi doanh số bán hàng ở các thị trường khác giảm sút.

Hạn chế đi lại đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng ở Trung Quốc. Một yếu tố khác đằng sau sự gia tăng này được gọi là "chi tiêu trả thù", hay "sự giải phóng nhu cầu bị dồn nén khi mọi người xuất hiện sau nhiều tuần bị phong tỏa". Xu hướng này đã giúp tạo ra sự gia tăng doanh số bán hàng trong mùa xuân này cho một số công ty, chẳng hạn như Tiffany và Burberry.

Những biện pháp kích thích của chính phủ cũng đã giúp ích. Đầu năm nay, chính quyền Trung Quốc đã phát phiếu giảm giá để khuyến khích người dân mua sắm, truyền thông nước này đưa tin. Điều đó cũng đã thúc đẩy tiêu dùng hàng xa xỉ, Bain và Alibaba cho biết hôm thứ Tư.

Các nhà bán lẻ đã lưu ý đến sự thay đổi của những động lực thị trường. LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, đề cập đến "sức mạnh to lớn của nhu cầu đến từ Trung Quốc đại lục" trong một cuộc gọi thu nhập hồi tháng 10.

"Từ quan điểm nhu cầu, chúng tôi không có gì phải lo lắng đặc biệt và rất hài lòng với phản ứng này. Nhưng hiện tại, có những hạn chế nghiêm trọng đối với khả năng mua sắm bên ngoài Trung Quốc của khách hàng và đây rõ ràng là điều quan trọng đối với sự tăng trưởng trong các quý tới", CFO (Giám đốc tài chính) Jean-Jacques Guiony cho biết.

Đại dịch cũng làm tăng tốc một số xu hướng dài hạn.

Ngay cả trước khi bùng phát, người mua sắm đến từ Trung Quốc đại lục đã chi tiền ở những nơi gần nhà hơn khi họ tránh các trung tâm như Hồng Kông do các cuộc biểu tình hàng loạt và khi các thương hiệu giảm "khoảng cách giá", điều mà thường khiến sản phẩm của họ rẻ hơn bên ngoài Trung Quốc.

Và cũng như các lĩnh vực khác, cuộc khủng hoảng đã khuyến khích nhiều người mua sắm trực tuyến hơn.

Thói quen đó có thể sẽ được duy trì. Theo Bain và Alibaba, gần 40% người tiêu dùng Trung Quốc có kế hoạch mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong vài năm tới, trong khi 40% khác dự kiến ​​sẽ duy trì hoạt động hiện tại của họ.

"Chúng tôi tin rằng hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc đã vĩnh viễn thay đổi", hai công ty trên viết trong báo cáo.

Năm tới, tăng trưởng của Trung Quốc được cho là ​​sẽ tiếp tục diễn ra, mặc dù không cùng tốc độ như hiện tại. Theo báo cáo, hầu hết các thương hiệu tin rằng thị trường sẽ mở rộng khoảng 30% khi các biên giới quốc tế bắt đầu mở cửa trở lại. Trong vòng 5 năm tới, tỷ trọng chi tiêu trong nước có thể sẽ giảm dần khi mọi thứ dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc sẽ bùng nổ trong thời gian này. Trong 5 năm tới, Trung Quốc được kỳ vọng ​​sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới - ngay cả sau khi thế giới "quay trở lại mức trước Covid-19", nhóm chuyên gia tư vấn của Bain viết.

Lê Thanh Hải

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục