“Nghịch lý” cho vay tại thị trường ngân hàng hiện nay

(Kinhdoanhnet) – Khi mà những cái tên ngân hàng đầu ngành lại là những cái tên có tỷ lệ cho vay ngắn hạn lớn nhất, trong khi những ngân hàng cỡ nhỏ với tiềm lực hạn hẹp hơn lại tập trung vào cho vay trung và dài hạn, những khoản vay tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của 11 ngân hàng TMCP công bố cho thấy một thực tế, đó là tỷ lệ cho vay ngắn hạn tại những ngân hàng đầu ngành như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay MBBank lại cao hơn rất nhiều so với trung và dài hạn. Trong khi những ngân hàng nhỏ hơn như Techcombank hay VPBank lại ghi nhận phần lớn dư nợ cho vay lại nằm ở cho vay trung và dài hạn.

Các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp phần lớn nhằm mục đích đầu tư tài sản cố định, cải tiến công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhờ đó có thể mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế. Trong khi các khoản cho vay ngắn hạn thường là khoản cho vay tiêu dùng, cá nhân và hộ gia đình. Như vậy, đáng lý ra những ngân hàng đầu ngành phải đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn trung và dài nhằm mục đích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế vĩ mô, thế nhưng thực tế thị trường ngân hàng hiện tại lại cho thấy điều ngược lại.

Hiện tại, 3 cái tên Vietinbank, BIDV và Vietcombank là 3 ngân hàng thuộc sỡ hữu nhà nước lại chính là 3 cái tên có tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ cho vay cao nhất. Tính đến hết ngày 30/6/2016, tỷ lệ cho cho vay ngắn hạn của Vietcombank lên tới hơn 58,1%, trong khi đó tỷ lệ cho vay trung hạn tại Vietcombank chỉ là 11,5% và tỷ lệ cho vay dài hạn là 30,4%. Ở Vietinbank, cũng ghi nhận tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ lên tới 55,4%, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng trung của thị trường, cũng giống như Vietcombank tỷ lệ cho vay trung hạn tại Vietinbank khá thấp chỉ vào khoảng 11.3%, còn lại là cho vay dài hạn chiếm 33.3% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ cho vay ngắn hạn tại BIDV cũng lên tới 55,1%, trong khi tỷ lệ cho vay trung hạn chỉ là 13% và dài hạn là 31.9%.

Hai ngân hàng cũng sở hữu tổng dư nợ cho vay khá lớn trên thị trường là  MBBank và ACB cũng sở hữu tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ tương đối cao lần lượt là 51,6% và 47,7%, trong khi những khoản cho vay trung và dài hạn tại hai ngân hàng này lại chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng dư nợ cho vay hiện tại. Cụ thể, tỷ lệ cho vay trung hạn tại MBBank chỉ vào khoảng 19,3%, và ở ACB là 14.3%, còn lại là cho vay dài hạn.

 

“Nghịch lý” cho vay tại thị trường ngân hàng hiện nay - Ảnh 1

Tỷ lệ cho vay ngắn, trung và dài hạn trên tổng dư nợ của 11 ngân hàng TMCP, tính cho đến hết ngày 30/6/2016.

Cũng sở hữu tổng dư nợ cho vay tương đối lớn thế nhưng cơ cấu nợ cho vay của Sacombank lại khác xa so với MBBank và ACB. Tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ ngân hàng chỉ vào khoảng 37,4%, Sacombank tập trung rất nhiều vào các khoản vay trung hạn khi chiếm tới 44,5% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Tại SHB tỷ lệ cho vay ngắn hạn là 39,4%, thấp hơn so với mặt bằng trung tỷ lệ cho vay ngắn hạn của 11 ngân hàng là hơn 41,5%.

Đáng chú ý là cái tên sở hữu tỷ lệ cho vay ngắn hạn thấp nhất thị trường ngân hàng lại là VPBank. Thời gian gần đây, VPBank luôn được xem là ngân hàng hàng đầu về cho vay tín dụng tiêu dùng, với tổng quy mô tín dụng lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, mà phần lớn những khoản cho vay tín dụng đều nằm trong ở cho vay ngắn hạn. Thế nhưng tỷ lệ cho vay ngắn hạn tại VPBank lại chỉ vào khoảng 24% thấp nhất trong số 11 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 2/2016. Dù sở hữu công ty cho vay tiêu dùng FE Credit nhưng tỷ lệ cho vay ngắn hạn tại VPBank vẫn còn khá nhỏ so với tổng dư nợ cho vay, trong thời gian tới rất có thể VPBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng để khai thác tối đa lợi thế từ các khoản vay ngắn hạn mang lại.

Các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ như Techcombank, BacABank hay NCB cùng có tỷ lệ cho vay ngắn hạn khá thấp, tại Techcombank là 29,6%, BacABank là 27,8% và NCB vào khoảng 30.8%. Thực tế cho thấy, những ngân cỡ nhỏ lại tập trung nhiều vào các khoản cho vay trung và dài hạn, trong khi các khoản vay trung và dài hạn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các khoản vay ngắn hạn.

Theo như tính toán, gần một nửa thị phần tín dụng ở Việt Nam là do Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng với Agribank sở hữu. Với việc tỷ lệ cho vay ngắn hạn của 3 ngân hàng đầu ngành rất cao như vậy cũng có thể hiểu là dư nợ tín dụng của hệ thống đang tập trung khá nhiều ở các khoản vay ngắn hạn. Việc tăng cho vay ngắn hạn không phải là xấu, bởi khoản cho vay ngắn hạn thường tập trung ở các khoản cho vay tiêu dùng, hay cho vay hộ gia đình, cá thể, với lãi suất tương đối thấp nhờ đó mà tiềm ẩn ít rủi ro hơn các khoản vay trung và dài hạn. Thế nhưng với vị thế quan trọng của mình trong thị trường ngân hàng, đáng lý những cái tên như Vietinbank, BIDV hay Vietcombank… cần phải có vai trò quan trọng hơn trong việc cung cấp các nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp phát triển chứ không nên quá chú trọng vào cho vay ngắn hạn như hiện tại.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục