Một nữ sinh 21 tuổi, đến từ tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) nhập viện trong tình trạng ngất xỉu, bác sĩ chuẩn đoán cô bị mắc bệnh tiểu đường do ngày nào cũng uống trà sữa.
Trà sữa - tác nhân gây nên bệnh tiểu đường
Mặc dù không muốn tin vì nghĩ con gái của họ còn quá trẻ, không thể nào mắc bệnh của "người già" là tiểu đường, nhưng thực tế các bác sĩ khuyến cáo đấy là căn bệnh cô gái sẽ phải chấp nhận sống chung hết cả đời.
Tìm hiểu về bệnh sử, cô gái cho biết do tuổi trẻ chưa biết quý trọng sức khỏe, nên ngoài thời gian lên lớp, cô gái suốt ngày chỉ ăn rồi nằm chơi, ít vận động. Ngoài ra, do có sở thích uống trà sữa nên ngày nào cô cũng tự thưởng cho mình một ly trà sữa, có những hôm lười ăn, cô có thể dùng trà sữa thay cơm.
Các bác sĩ cho biết thêm, thực chất lượng đường trong một cốc trà sữa bằng lượng đường của 5 cốc coca. Do có hàm lượng đường tương đối cao, việc lạm dụng rất dễ dẫn đến tình trạng tích tụ đường trong cơ thể, lâu dần sẽ dẫn đến tăng đường huyết và mắc bệnh tiểu đường. Một khi đã mắc bệnh tiểu đường thì không có cách nào để phục hồi trong thời gian ngắn và phải chung sống với nó suốt đời.
Ngoài ra, việc uống trà sữa thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ làm đau dạ dày, giảm cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đường huyết cao...
Thành phần độc hại của trà sữa
Trà được dùng để pha chế trà sữa thường là: Trà đen, trà xanh, trà ô long có chứa chất chống oxy hóa, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Trên thực tế là để tăng hương vị cho trà nhằm thu hút người tiêu dùng, người bán thường tẩm thêm các hương liệu vào trà như hương sen, hương nhài, hương bạc hà… Những loại hương liệu này thường chứa các hóa chất độc hại có nguồn gốc hữu cơ như: penzylacetat, P – dimethoxy penzin… gây hại cho sức khỏe người dùng khi uống quá nhiều.
Ngoài ra, vì lý do lợi nhuận người bán trà sữa không sử dụng trà mà thay bằng hóa chất tạo vị trà hoặc sử dụng trà tẩm ướp hương liệu độc hại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tiếp theo, thành phần cấu tạo nên "món uống vạn người mê" là sữa. Tuy nhiên, để kích thích khẩu vị và gia tăng lợi nhuận, người bán trà sữa thường sử dụng kem béo thay cho sữa tươi, sữa đặc. Kem béo chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể khiến người dùng gặp các vấn đề về sức khỏe như: tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt. Chưa kể đến hàm lượng canxi, các vitamin và protein trong kem béo rất thấp so với sữa tươi nên có thể khiến người dùng bị thiếu chất.
Hạt trân châu được làm chủ yếu từ tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80% thành phần), đường cô đặc, hương liệu và gần như không có chất xơ, protein hay bất kỳ loại khoáng chất nào. Do đó hạt trân châu chứa rất nhiều năng lượng nhưng lại thiếu hụt gần như hoàn toàn các vitamin, khoáng chất thiết yếu và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.
Nguy hại hơn, trong trà sữa có chứa nhiều đường. 1 ly trà sữa có thể chứa đến 50g đường. Việc uống một ly trà sữa có thể khiến trẻ tiêu thụ quá nhiều đường so với nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra, trà sữa chứa các topping khác như: Thạch, pudding trứng, kem phô mai, ca cao, kem tươi, bánh plan… Đây là những nguồn thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít dưỡng chất.
Do đó, uống một ly trà sữa đồng nghĩa với việc bạn vừa cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng lên đến trên 300 calo, tương đương với khoảng 1/5 mức năng lượng mà một người trưởng thành cần cho cả một ngày dài.
Uống trà sữa thường xuyên không chỉ mắc tiểu đường mà còn mắc những bệnh lý nguy hại khác như: Mất ngủ, béo phì, nổi mụn, gây vô sinh, táo bón...Để tránh những tác hại xảy ra không mong muốn đến sức khỏe tốt nhất nên hạn chế uống trà sữa hoặc có thể tự chế biến trà sữa tại nhà để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bạn và cả gia đình.