Ngành xây dựng Việt Nam và chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”: Hãy đợi đấy!

Câu chuyện về cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành xây dựng Việt Nam vốn không mới. Nó đã được nói ra rả trong vài năm gần đây. Nhưng, cho tới thời điểm này, ngành xây dựng mới chỉ thực hiện được 1/2 mục tiêu: không còn bị các nhà thầu ngoại “đè đầu” ở thị trường trong nước. Còn thị trường nước ngoài ư? Hãy đợi đấy!

Ngành xây dựng Việt Nam và chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”: Hãy đợi đấy! - Ảnh 1
Dự án chung cư GEMS ở thủ đô Yangon do Tập đoàn Capital Development Limited (CDL) của Myanmar làm chủ đầu tư do Hòa Bình cung cấp dịch vụ quản lý thi công!

Có 4 lý do quan trọng khiến ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Công ty xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình vô cùng quyết tâm trong chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”. 1. Thị trường xây dựng Việt Nam sẽ bão hòa trong tương lai gần. 2. Các nhà thầu Việt Nam đang dần lép vế trước nhà thầu Trung Quốc tại 2 thị trường truyền thống lân cận Lào, Campuchia. 3. Ông muốn mở rộng thị trường để biến Hòa Bình thành tập đoàn đa quốc gia. 4. Nếu làm tốt, biết đâu mảng quốc ngoại sẽ giúp Hòa Bình vượt qua Coteccons, trở thành công ty dẫn đầu ngành xây dựng và địa ốc Việt Nam.

Việc tài trợ tổ chức Hội thảo Ngành xây dựng Việt Nam cạnh tranh và hội nhập quốc tế sáng nay (30/08/2017) là một trong những nỗ lực của ông để thực thi nhiệm vụ trọng đại đó. Ngoài ông Hải, buổi Hội thảo còn có sự hiện diện của ông Phạm Khánh Toàn – Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế và ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam.

Như ông Hải chia sẻ trong buổi Hội thảo, chuyện “vượt đại dương” cần một hạm đội chứ không phải là những con tàu đơn lẻ; cơ hội xuất ngoại nên được mở rộng với cả các công ty xây dựng khác, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc chuỗi cung ứng dọc – ngang. Nếu muốn tổng thầu ở hải ngoại, một mình Hòa Bình sẽ rất khó xoay trở, họ cần người hỗ trợ.

Tuy nhiên, cảm nhận chung của rất nhiều thính giả sau buổi Hội thảo: Trong tương lai gần, chuyện ngành xây dựng Việt Nam có thể đấu ngang tay với đối thủ ở thị trường quốc tế chỉ là giấc mơ!

Ngành xây dựng Việt Nam và chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”: Hãy đợi đấy! - Ảnh 2
Từ trái sang phải: ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Công ty xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, ông Phạm Khánh Toàn – Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế và ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam

Theo ông Hiệp, ở thị trường quốc nội, sau 10 năm học tập và phát triển, chúng ta đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với tất cả nhà thầu nước ngoài, kể cả Hàn Quốc hay Nhật Bản. Từ nhà thầu phụ chúng ta đã thành công trở thành nhà thầu chính hoặc hợp tác phân chia lợi nhuận. Ví dụ tiêu biểu: Hai công trình xây dựng nổi bật nhất Việt Nam trong vài năm trở lại đây đều thuộc về nhà thầu Việt Nam.

Saigon Center – tòa nhà có 6 tầng hầm và 44 tầng cao được Hòa Bình bao thầu tất cả từ thi công, quản lý, giám sát… Còn việc Coteccons thắng thầu dự án The Landmark 81 vào năm ngoái là một trong những mốc son chói lọi của ngành xây dựng Việt Nam. Theo thiết kế, tòa nhà The Landmark 81 sẽ cao 461 m, đứng thứ 8 thế giới. Vingroup chính là chủ đầu tư.

Sau khi phần nào làm chủ được thị trường quốc nội, tất nhiên các doanh nghiệp trong ngành xây dựng Việt Nam muốn thử thách mình ở thị trường quốc ngoại. Theo ông Hải, ông Hiệp và các doanh nghiệp có mặt trong buổi hội thảo; thì rào cản lớn nhất đối với họ chính là thiếu chiến lược và chính sách hỗ trợ của chính phủ, chứ không phải là trình độ thi công/nhân công thấp hay chưa hiểu biết đầy đủ về luật pháp.

Theo ông Hải, cho tới thời điểm hiện tại, các công ty xây dựng Việt Nam vẫn chưa được phép đấu thầu ở Singapore thì còn nói gì đến chuyện cạnh tranh!

Ngành xây dựng Việt Nam và chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”: Hãy đợi đấy! - Ảnh 3
Các doanh nghiệp Việt vẫn chưa được phép đấu thầu ở Singapore.

Trước tiên, chúng ta hãy điểm sơ một chút về tình hình xuất khẩu của ngành xây dựng. Trước đây, Lào và Campuchia gần như là sân nhà của các công ty xây dựng lớn ở Việt Nam do lợi thế láng giềng gần gũi. Nhưng bây giờ, với sự bành trướng của người Trung Quốc, mọi chuyện đã thay đổi. Do đó, Coteccons hay Hòa Bình đang chuyển sang khai phá thị trường mới, ví dụ như Malaysia hay Myanmar. Tuy nhiên, do vị trí địa lý và những bất cập trong chính sách, họ vẫn chưa thể nhận vai trò tổng thầu, mà chỉ có thể trở thành nhà thầu phụ. Như Hòa Bình, vai trò chủ yếu của họ vẫn là tư vấn dự án và quản lý xây dựng.

Với doanh nghiệp nhỏ, mọi chuyện còn khó khăn hơn nhiều. Như giám đốc một công ty nhỏ trong buổi hội thảo kể: Khi công ty ông có một dự án ở Campuchia, ông đã không thể đường đường chính chính mang mọi thứ sang: Vật liệu xây dựng đi theo đường tiểu ngạch còn tiền bạc đi theo đường lậu. Đây chính là thực trạng của chung của nhiều công ty xây dựng Việt muốn chinh phục thị trường nước ngoài.

Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện tham gia cuộc chơi, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam sẽ hỗ trợ: Học tập và trao đổi công nghệ về quản lý, thi công…; hiểu biết sâu hơn về luật pháp; khuyến khích chuyên môn hóa…

Nhiệm vụ của nhà nước: Đầy đủ trong kiến nghị 10 điểm mà ông Hải đã trình Chính phủ vào dịp tổng kết ngành của Bộ xây dựng vào năm ngoái. Cụ thể: Mở cửa thị trường các nước tiên tiến thông gia các hiệp định song phương và đa phương, truyền thông định hướng này một cách mạnh mẽ để các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bắt kịp xu hướng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa người, chuyển tiền ra nước ngoài cùng các thủ tục bảo lãnh…

Ngành xây dựng Việt Nam và chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”: Hãy đợi đấy! - Ảnh 4
Saigon Center – niềm tự hào của Hòa Bình

Theo đó, vai trò của nhà nước là quan trọng hơn cả. Như đã nói ở trên, chúng ta không thể chiến thắng bằng niềm tin! Dù Hòa Bình có mạnh mẽ đến đâu nhưng không được phép dự thầu thì… cũng vứt.

Tuy nhiên, thật là khó để tin tưởng vào tốc độ giải quyết các thủ tục hành chính hoặc cải cách của bộ máy nhà nước Việt Nam.

Ông Toàn cho rằng, việc đưa người, chuyển tiền, vật liệu xây dựng… còn liên quan đến Bộ thương mại, Bộ tài chính… Khi được phóng viên hỏi, ông và Bộ xây dựng nghĩ gì về kiến nghị 10 điểm của ông Hải, ông Toàn thú nhận, cũng như thính giả có mặt trong khán phòng, đây là lần đầu tiên ông nghe thấy những điều đó! Chẳng biết “đường truyền” của ông Hải chưa đủ sâu sát hay bảng kiến nghị 10 điểm đó không mảy may quan hệ đến Bộ xây dựng?!

Thế nên, các doanh nghiệp Việt muốn có một hành lang pháp lý hay chiến lược dài hơi như bệ phóng để thuận lợi hoạt động ở nước ngoài, hãy chịu khó chờ đợi. Còn chờ đợi đến bao giờ thì có trời biết!

Theo Sa Mộc/Nhà quản lý

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục