Ngành bán sỉ thiết bị số thoái trào: Từ thế chân vạc thành thế chân tường

(Kinhdoanhnet) – 3 doanh nghiệp thống trị ngành bán sỉ thiết bị số là FPT Trading, Digiworld và PSD đang bị dồn vào thế chân tường, buộc họ phải bán cổ phần và rút lui khỏi ngành hoặc thay đổi với chiến lược hoàn toàn mới khi mà ngành bán sỉ thiết bị số đang dần thoái trào.

Digiworld, FPT Trading và PSD từ lâu đã tạo thành thế chân vạc trong ngành phân phối sỉ các sản phẩm thiết bị số như: điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng… Trong đó, FPT Trading là “anh cả” của ngành này với doanh thu vượt trội hơn hẳn 2 đối thủ còn lại.

 

Ngành bán sỉ thiết bị số thoái trào: Từ thế chân vạc thành thế chân tường - Ảnh 1

Biến động doanh thu 3 năm gần đây của PSD, Digiworld và FPT Trading. Ảnh: T.L

Mặc dù cả 3 công ty này vẫn giữ được mức doanh thu khá lớn, tuy nhiên, có một điểm chung là trong năm 2015, doanh thu của cả 3 doanh nghiệp này đều giảm so với một năm trước đó. Trong khi doanh thu năm 2015 của FPT Trading chỉ giảm nhẹ 0,76% so với năm 2014 thì doanh thu của CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD) giảm mạnh hơn nhiều, lên tới 9,7%. Doanh thu năm 2015 của Digiworld là giảm mạnh nhất so với doanh thu năm 2014, ở mức 13,8%.

Điều này cho thấy những dự đoán về sự thoái trào của ngành bán sỉ thiết bị số đang dần trở thành hiện thực. Cơ sở đầu tiên của dự đoán này đó là sự bão hòa của thị trường máy tính truyền thống, trong đó có thị trường laptop. Thứ hai là các khách hàng truyền thống của các doanh nghiệp bán sỉ thiết bị số là các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ đang dần dần không còn cần đến các nhà phân phối sỉ nữa, thay vào đó, họ nhập hàng trực tiếp từ các hãng công nghệ.

Nhận ra sự thoái trào này, lãnh đạo FPT đã nhanh chóng quyết định sẽ bán phần lớn vốn của tập đoàn này tại FPT Trading. Trong khi đó, Digiworld lại kiên quyết giữ lập trường không từ bỏ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà thích nghi với tình hình mới bằng chiến lược đặt cược vào các hãng sản xuất nhỏ, với hy vọng đón đầu “miếng bánh” 40% thị trường điện thoại cơ bản sẽ chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh trong tương lai. Còn PSD, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy một động thái rõ ràng nào.

Bán cổ phần để rút lui khỏi ngành, hay đặt cược vào một chiến lược hoàn toàn mới đều là những động thái cho thấy những doanh nghiệp bán sỉ thiết bị số đang bị dồn vào thế chân tường, buộc họ phải thay đổi khi còn có thể. Cũng có thể nói, thế chân vạc của ngành bán sỉ thiết bị số đang bị lung lay tới tận gốc, thậm chí tương lai có thể sẽ chẳng còn ngành bán sỉ thiết bị số nữa khi mà đang có quá nhiều ông lớn ngành bán lẻ thiết bị công nghệ đang từng bước tự chủ hoàn toàn việc nhập hàng từ các hãng công nghệ. Thế giới di động, FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store hay gần đây là Vinpro, những doanh nghiệp bán lẻ thiết bị số khổng lồ này đều có tiềm lực quá lớn để trở thành đối tác phân phối trực tiếp sản phẩm từ bất kỳ hãng công nghệ nào thế giới. Và nếu những “ông trùm bán lẻ” này chẳng thể trở thành đối tác của một hãng công nghệ nào đó thì hẳn FPT Trading, Digiworld hay PSD cũng khó lòng trở thành đối tác công nghệ của hãng công nghệ này.

Về trường hợp của Digiworld

Cũng có trường hợp như Digiworld lựa chọn giải pháp phân phối độc quyền các sản phẩm công nghệ ít tên tuổi hơn như Obi, Wiko hay Intex khiến các doanh nghiệp bán lẻ dù lớn đến đâu, khi muốn bán những nhãn hàng này tại Việt Nam thì đều phải mua sỉ từ Digiworld. Nhưng hãy cẩn thận, các “ông trùm bán lẻ” có một sức mạnh khủng khiếp là định hình thị trường, nên có thể những sản phẩm ít tên tuổi này sẽ không gây được sự chú ý hơn những sản phẩm giá rẻ khác mà các nhà bán lẻ này trực tiếp phân phối.

Các nhà đầu tư cũng có vẻ cũng không mặn mà lắm với chiến lược mới của Digiworld. Điều này được phản ánh qua biến động giá cổ phiếu DGW của Digiworld khi mà trong 3 tháng vừa qua, thị giá cổ phiếu DGW đã giảm 23,4%. Còn nếu tính kể từ thời điểm Digiworld mới niêm yết là ngày 03/08/2015 cho tới nay thì thị giá của cổ phiếu DGW đã giảm tới 47,83%.

Tùng Lâm

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục