Trong khi thị trường bất động sản đang nguội lạnh, ngân hàng Vietcombank tăng tốc rao bán các tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu với giá khởi điểm từ vài tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.
Ngày 1/11, ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bạc Liêu lần thứ 7 thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Sản xuất và Thương mại Thiên Tân với giá khởi điểm chỉ còn hơn 10,4 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Lô đất rộng gần 500 m2, là đất ở nông thôn.
Ngày 18/11, Vietcombank tiếp tục thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen với giá khởi điểm chỉ còn hơn 785,4 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với mức giá Vietcombank đưa ra cách đây gần 1 năm.
Tài sản đấu giá là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và nhà xưởng của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam; hệ thống thiết bị máy móc sản xuất sợi tại nhà máy (Nhà máy 1 và Nhà máy 2) của Công ty nằm tại số 01 VSIP II, đường số 7 và số 18, đường số 32, thuộc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, Vietcombank còn thông báo phát mại tài sản đảm bảo là thửa đất có diện tích 3.150m2 của công ty Xây dựng và Đầu tư 419 với giá khởi điểm 3 tỷ đồng; Vietcombank Quảng Ngãi rao bán bất động sản là cửa hàng cầu kênh của CTCP Du lịch Quảng Ngãi. Tình trạng là quyền sử dụng đất gồm thửa đất số 177, tờ bản đồ số 6 có diện tích 1.000m2 tại thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với giá khởi điểm 5,5 tỷ đồng;…
Trước đó, vào tháng 10, nhà băng này cũng rao bán hàng loạt bất động sản thế chấp để thu hồi nợ xấu.
Điển hình ngày 18/10 thông báo bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Đầu tư phát triển Goldfish với giá khởi điểm hơn 10,7 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm phát mại, bán đấu giá là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 331, 345, 355, 365, 347, 354, tờ bản đồ số 14 tọa lạc tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tài sản hiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã kê biên.
Tương tự, ngày 11/10, Vietcombank Cà Mau rao bán khối tài sản đảm bảo của Công ty XNK Tân Phú là thửa đất có diện tích gần 300 mét vuông tại phường 25 quận Bình Thạnh - TP HCM. Giá khởi điểm được VCB Cà Mau đưa ra cho thửa đất này là hơn 29,6 tỷ đồng.
Theo thống kê của người viết, từ tháng 9/2022 đến nay, ngân hàng Vietcombank đã gần 30 lần thông báo rao bán các tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tính đến 30/9/2022, tài sản đảm bảo tại Vietcombank nắm giữ làm tài sản thế chấp ghi nhận hơn 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó, bất động sản thế chấp đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và chiếm tới 73% tổng tài sản thế chấp. Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank ở mức 167%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,67 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,23 đồng.
Với lượng bất động sản thế chấp khủng cỡ này, ngân hàng Vietcombank luôn tăng tốc trong việc rao bán các bất động sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Đồng thời, nhà băng này luôn nằm trong top ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất ngành.
Cụ thể, tổng nợ xấu tại Vietcombank tính đến 30/09/2022 tăng đến 47% so với đầu năm, chiếm gần 9.004 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng cao gấp 3 lần so với đầu năm, lên mức hơn 2.313 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% đầu năm lên 0,8%.
Chưa kể, nợ nhóm 2 tại Vietcombank (nợ cần chú ý) có xu hướng tăng so với đầu năm. Cụ thể, tăng từ 3.499 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 4.065 tỷ đồng, tương đương tăng 16% so với đầu năm. Đây là nhóm nợ có xu hướng sẽ trở thành nợ xấu trong điều kiện không thanh toán được đúng hạn các khoản vay.
Cuối quý III/2022, dư nợ cho vay của Vietcombank đã tăng 2,7% so với quý trước và 17,6% kể từ đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành là 13%. Trong năm nay, Vietcombank được cấp hạn mức tín dụng 18,6%, một trong những mức cao nhất hệ thống cùng với VPBank, MB và HDBank.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận Vietcombank sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023-2024 khi lãi suất huy động tăng gây áp lực tăng chi phí vốn và giảm NIM.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết