Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 08/2022 nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng ACB phát hành trái phiếu nhiều nhất với 3.300 tỷ đồng qua 5 đợt chào bán có kỳ hạn từ 1 đến 2 năm. Tiếp đến là ngân hàng OCB với 2.800 tỷ đồng với kỳ hạn đều 3 năm và Ngân hàng Vietcombank với 1.690 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành 1.800 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, nhóm Ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54,2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91.998 tỷ đồng, chiếm 76,9%.
Ở một diễn biến khác, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng ồ ạt mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Điển hình tại ngân hàng VIB, trong lúc chờ nới room tín dụng đã mua lại tổng cộng 8.300 tỷ đồng trái phiếu.
Theo đó, ngày 14/9 vừa qua, ngân hàng VIB đã mua lại toàn bộ 1.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã VIBBONDH2023010 có kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành là 14/9/2020, ngày đáo hạn là 14/9/2023.
Trước đó, 8 tháng đầu năm 2022, nhà băng này đã mua lại 5 lô trái phiếu.
Cụ thể, ngày 27/8 mua lại trước hạn lô trái phiếu mã VIBBONDH2023008 tổng giá trị 1.400 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành là 27/8/2020, ngày đáo hạn là 27/8/2023.
Ngày 26/8 cũng đã mua lại toàn bộ 900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã VIBBONDH2023007 kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành là 26/8/2020 và đáo hạn ngày 26/8/2023.
Ngày 16/6/2022 VIB cũng mua lại toàn bộ 1.500 tỷ đồng lô trái phiếu mã VIBL2124023 kỳ hạn 3 năm, ngày chào bán trái phiếu là 16/12/2021 và đáo hạn ngày 16/12/2024.
Ngày 15/6, mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã VIBL212022 cũng kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành 15/12/2021 và đáo hạn ngày 15/12/2024.
Tháng 3/2022, ngân hàng VIB cũng đã mua lại toàn bộ 2.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã VIBL2124021 kỳ hạn 3 năm, ngày chào bán là 14/12/2021 và đáo hạn ngày 14/12/2024.
Đồng thời, từ đầu năm 2022 đến nay, ngân hàng VIB đã huy động thành công 6.948 tỷ đồng trái phiếu qua 7 đợt phát hành. Đợt 1 ngân hàng phát hành ngày 28/2/2022 với giá trị 948 tỷ đồng có kỳ hạn 4 năm; đợt 2 phát hành ngày 28/2/2022 với giá trị 2.000 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm, đợt 3 phát hành ngày 31/3/2022 với giá trị 1.000 tỷ đồng cũng kỳ hạn 10 năm; đợt 4 phát hành ngày 31/5/2022 giá trị 1.000 tỷ đồng,...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tính đến 30/6/2022, ngân hàng VIB đã có 35.818 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm ghi nhận 31.248 tỷ đồng, tăng 5% và trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên ghi nhận 4.570 tỷ đồng.
Bắt buộc doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn nếu vi phạm phương án sử dụng vốn
Bộ Tài chính vừa công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, cho biết Nghị định 65/2022 được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, đồng thời bổ sung các quy định để tiếp tục phát triển thị trường minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên thị trường và khắc phục bất cập thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Nghị định cũng mang tính tăng cường quản lý, giám sát, bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực tài chính, tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Đáng chú ý, ông Dương cho biết nghị định mới đã bổ sung quy định yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong đó có quy định doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, trước và sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành công bố.
Nghị định cũng bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong đó, chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Nghị định 65/2022 cũng yêu cầu tăng điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trái phiếu, tăng trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán).
Sở hữu trí tuệ
In bài viết