Vài năm trở lại đây, thực hiện chính sách, chủ trương về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các nhà băng đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau, khuyến khích người dân mở tài khoản, giao dịch qua thẻ, tăng hệ thống điểm chấp nhận thẻ (POS)… số lượng thẻ ngân hàng gần đây đã tăng lên đáng kể.
Theo thống kê trong 8 tháng đầu năm 2014, lượng thẻ do 52 tổ chức phát hành đạt trên 74 triệu thẻ với khoảng 490 thương hiệu. Đã có trên 16.000 máy giao dịch tự động (ATM) và trên 153.200 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt trên toàn quốc.
Sử dụng thẻ ATM giúp việc giao dịch của khách hàng chuyển từ chi trả tiền mặt, giao dịch trực tiếp tại quầy sang sử dụng các thao tác nhanh gọn ngay tại hệ thống trụ ATM. Điều này đưa đến thói quen hạn chế tiền mặt trong người, vì thẻ ATM làm chức năng “ví tiền di động”; như vậy, hạn chế tình trạng rủi ro do trộm, cướp … phải mất một lượng tiền khá lớn.
Dù phần lớn các ngân hàng đều hỗ trợ miễn phí mở tài khoản hay mở thẻ nhưng số lượng phí thu trên các dịch vụ khác là không hề nhỏ. Chỉ cần một phép tính đơn giản, nếu bạn đang sở hữu một tài khoản ngân hàng thì trung bình hàng tháng, bạn phải trả các loại phí như phí duy trì tài khoản thanh toán (9,.900 đồng), phí thường niên (30.000 đồng), phí rút tiền mặt (3.300 đồng/ giao dịch), phí chuyển tiền nội mạng tại ATM (1.100 đồng/ giao dịch), phí SMS Banking (11.000 đồng), phí internet banking (8.800 đồng)… và rất nhiều loại phí khác. Tổng cộng mỗi năm, bạn mất đến hơn 1,7 triệu cho tất cả các loại phí dịch vụ này.
Thêm vào đó hiện hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều thu 50.000VND khi khách hàng có nhu cầu mở thẻ ATM. Số tiền này được các ngân hàng gọi là mức dư tối thiểu trong thẻ nhằm đảm bảo hoạt động của chủ tài khoản.
Như vậy, với 74 triệu thẻ đang phát hành, nếu chỉ tính riêng với số dư bắt buộc ở tài khoản thẻ thì tổng mức tiền mà toàn hệ thống ngân hàng đang “chiếm dụng” của khách hàng lên tới 3.700 tỷ đồng. Con số này còn nhiều hơn cả số vốn điều lệ để mở 1 ngân hàng quy mô nhỏ hiện nay.
Ngân hàng thu hàng loạt phí dịch vụ khi sử dụng thẻ ATM.
Trên thế giới đặc biệt là ở các nước phát triển dịch vụ thẻ thì Thẻ ghi nợ nội địa được tạo điều kiện khá nhiều về các biểu phí, hệ thống chấp nhận thẻ, khuyến khích người dân thanh toán qua tài khoản ngân hàng của mình. Vì vậy người dân tại đây rất ít khi sử dụng tiền mặt, mọi người thường có thói quen dùng thẻ để thanh toán. Nếu cần tiền mặt để chi tiêu cho những phát sinh hàng ngày có thể rút tiền tại các cây ATM hoặc ngân hàng nhưng không mất một khoản phí nào. Còn tại Việt Nam hầu hết người dân đều chỉ sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt.
Anh Tô Xuân Đại, du học sinh chương trình MBA tại Luân Đôn, nước Anh cho anh rất bất ngờ với quy định số dư tiền để duy trì tại tài khoản được các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng. Trong khi đó, tại ngân hàng mà anh Đại đang sử dụng không hề có khoản tiền nào mang tên “số dư tối thiểu” như các chủ thẻ ở Việt Nam để nằm lại tài khoản thẻ ATM của mình.
Hay một du học sinh tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản cho biết tại đất nước này hầu hết các dịch vụ rút tiền, chuyển tiền đều được miễn phí 24/24. Các ngân hàng như Mitsubisi hay Sumitomo cũng có biểu phí ưu đãi cho các dịch vụ trong khoảng thời gian từ 8h45 -21h hàng ngày. Thêm vào đó ở các ngân hàng này cũng không hề có khoản “số dư tối thiểu” giữ lại để duy trì hoạt động cho thẻ như các ngân hàng tại Việt Nam đang áp dụng. Mỗi cá nhân sẽ xem xét kỹ lưỡng trước khi mở tài khoản ở một hay vài ngân hàng nhất định chứ không có tình trạng mở thẻ tràn lan gây khó kiểm soát như tại một số ngân hàng Việt hiện nay.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng áp dụng nhiều khoản thuế phí đối với chủ thẻ ATM sẽ dẫn đến hiện tượng người dân thay đổi thói quen dùng ATM. Thay vì, mỗi tuần rút tiền vài lần, mỗi lần rút một ít để thực hiện các giao dịch nhỏ lẻ hằng ngày thì họ sẽ rút một lượng tiền lớn đủ để chi phí cho một khoảng thời gian dài nhằm tốn ít phí. Như vậy việc đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN sẽ hoàn toàn thất bại.
Thêm vào đó các ngân hàng sẽ tự đánh mất đi một nguồn huy động vốn với lãi suất thấp. Thay vì, mỗi lần rút một trăm, hai trăm nghìn thì khoản tiền lớn kia còn lại trong thẻ để ngân hàng tạo lợi nhuận. Bây giờ, rút một lượng tiền lớn thì ngân hàng bỗng dưng đánh mất phần lợi đó.
Ngoài ra còn rất nhiều hệ quả không tốt khác cho cả chủ thẻ, ngân hàng và toàn xã hội.
Hoàng Anh (TH)